DMagazine

"Con ruồi đậu cạnh vết mổ" và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam

(Dân trí) - Báo cáo đầu tiên về mổ nội soi gây chấn động giới khoa học trên thế giới. Ít ai ngờ chỉ 5 năm sau ca mổ đầu tiên đó, phương pháp "phẫu thuật quý tộc" này đã được thực hiện tại Việt Nam.

Báo cáo đầu tiên về mổ nội soi gây chấn động giới khoa học trên thế giới. Ít ai ngờ chỉ 5 năm sau ca mổ đầu tiên đó, phương pháp "phẫu thuật quý tộc" này đã được thực hiện tại Việt Nam. Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Dân trí giới thiệu tới độc giả bài viết về hành trình của loại hình phẫu thuật đặc biệt này từ châu Âu về Việt Nam.

GS.TS Trần Bình Giang nói về ưu điểm của phẫu thuật nội soi

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), chuyên gia về phẫu thuật tiêu hóa chính là "người tiên phong" của kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở Việt Nam, là người đã đưa "phẫu thuật quý tộc" của châu Âu "phủ sóng" khắp Việt Nam. Câu chuyện về ca phẫu thuật nội soi đầu tiên ở Việt Nam gần 30 năm trước, vẫn được ông nhớ đến như chỉ mới diễn ra vừa hôm qua.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 1

Vốn là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhưng chàng trai nghèo quê lúa Thái Bình lại quyết tâm theo nghề y. Những năm học Đại học Y Hà Nội, ông đều lọt vào top đầu và là một trong số ít sinh viên được nhận học bổng. Năm thứ 5, đỗ đầu vòng thi nội trú, ông được chọn môn ngoại để theo học.

Gầy gò, bé nhỏ đến mức khi vào học nội trú ngoại tại Bệnh viện Việt Đức, ông bị thầy Dương Chạm Uyên, phụ trách đào tạo sau đại học của Bộ môn Ngoại chê: "Lẻo khẻo thế này đi nội trú ngoại sao được?".

Nhưng sau khi ra trường, chàng bác sĩ nội trú bé nhỏ ấy tiếp tục đứng đầu lớp học tiếng Pháp, để tháng 5/1990 được lựa chọn sang đào tạo ở Bệnh viện danh tiếng Cochin, Đại học PARIS 6, do GS. Yves Chapuis Viện sỹ Viện hàn lâm phẫu thuật Pháp, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật các tuyến nội tiết, làm chủ nhiệm.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 3

Bệnh viện có Trung tâm ghép tạng lớn của Pháp, nơi GS. Didier Hussain, chuyên gia ghép gan nổi tiếng thế giới, người lần đầu tiên chia đôi một lá gan để ghép cho hai bệnh nhân. Và GS Giang đã trở thành người Việt Nam đầu tiên học về ghép tạng.

Bệnh viện Cochin cũng là nơi GS Giang được tham gia vào nhóm triển khai phẫu thuật nội soi đầu tiên do GS Bernard Cadier đứng đầu. Đây là cơ duyên để sau này, GS Giang đã kết nối để Bệnh viện Việt Đức mời GS Delaitre và BS Bernard Cadier, những phẫu thuật viên nội soi tài hoa ở Université de la Liberté de Brucxel sang Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật nội soi đầu tiên vào cuối năm 1992.

4 năm sau, ông tiếp tục được sang học tại Bệnh viện, Trường Đại học Nice-Sophia-Antipolis, một Trung tâm nổi tiếng ở Pháp để học chuyên sâu về phẫu thuật nội soi. Đây chính là dấu mốc để lĩnh vực phẫu thuật nội soi ở Việt Nam được mở ra và phát triển.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 5

GS Giang kể, ý tưởng về nội soi xuất phát từ việc các nhà khoa học muốn biết ẩn chứa đằng sau trong cơ thể của con người là gì. Trước đó, trong lịch sử rất dài, nhiều nhà khoa học, giải phẫu sinh lý đã có những hiểu biết không đúng về cấu tạo cơ thể con người, thậm chí có tác giả cuối thế kỷ 18 còn coi lá lách là cơ quan phát điện trong cơ thể.

Hồi tưởng lại lịch sử của chuyên ngành nội soi, GS Giang trở về với điểm xuất phát đầu tiên là vào năm 1901, tại hội nghị của nhà y học và tự nhiên học tại TP Vienna của Áo, có một nhà khoa học tên là George Kelling đã dùng ống soi bình thường soi bàng quang, mà chỉ "đục" một lỗ trên bụng một con chó, dùng ống soi bình thường soi bàng quang để thám sát trong ổ bụng khai sinh ra một chuyên ngành mới là nội soi ổ bụng.

Đến năm 1910, một nhà khoa học Thụy Điển khác tên là Hans Christian Jacobous đã công bố về những ca nội soi ổ bụng trên người đầu tiên và sau đó là soi trên ngực. Lúc đầu, họ soi với mục đích chẩn đoán xem trong bụng có gì, rồi dần dần những kỹ thuật can thiệp từ đơn giản tới phức tạp được thực hiện qua soi ổ bụng như soi cắt ruột thừa, cắt túi mật. Thời gian đầu mọi thứ còn khá thủ công, khi mổ bác sĩ một tay cầm ống soi một tay làm việc, vì thế không thể làm những kỹ thuật phức tạp.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 7

Đến năm 1987, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Phillip Mouret sử dụng camera để mổ. Báo cáo về phẫu thuật nội soi được đưa ra tại hội nghị ngoại khoa Pháp khi đó tạo sự chấn động trong giới y học, được ví như quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống TP Hirosima của Nhật. Điều đặc biệt là lúc này hầu hết các nhà khoa học trên thế giới phản đối kịch liệt, cho rằng đây là kỹ thuật dùng người bệnh làm thí nghiệm, chưa được thông qua bởi hội đồng đạo đức. Cũng vì lẽ đó, dù kỹ thuật này được khởi nguồn tại châu Âu nhưng nó chỉ thực sự phát triển tại Mỹ,  rồi sau đó mới quay lại phát triển tại chính nơi khai sinh.

Từ sau những năm 1990, mổ nội soi mới thực sự phát triển trên toàn thế giới. Và với GS Giang điều may mắn là năm 1990, ông được cử sang Pháp học, tại một bệnh viện nổi tiếng. Những ca phẫu thuật nội soi đầu tiên được thực hiện tại đây. Ông được học với những bác sĩ nổi tiếng, những phẫu thuật viên hàng đầu châu Âu.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 9

Ông vẫn nhớ cái cảm giác lần được xem mổ ca nội soi đầu tiên, giống như một sự khai sáng, một phương pháp mổ hoàn toàn mới. Lịch sử của ngành ngoại khoa bước sang một chương mới, với cách mổ khác hẳn với cách mổ truyền thống.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 10

Đầu tiên, điều khó khăn lớn nhất khi đó chính là "tiền đâu?": vấn đề chi phí mua trang thiết bị. Chi phí mua một dàn máy nội soi ở thời điểm đó cực kỳ đắt đỏ, khoảng 754 triệu đồng, tương đương 2-3 tỷ đồng bây giờ. Chiếc máy đầu tiên Bệnh viện mua là tiền mua ô tô, cộng thêm bệnh viện "bù" vào hơn 100 triệu đồng.

Nhìn lại mốc khởi điểm của hành trình gần 30 năm, GS Giang bày tỏ sự biết ơn hai người đã có vai trò quan trọng để chuyên ngành phẫu thuật nội soi phát triển như hôm nay là GS Nguyễn Dương Quang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và GS Vũ Mạnh, Phó phòng Y vụ khi đó.

Ông nhớ lại, khi đó Nhà nước cấp 500 triệu đồng để bệnh viện mua xe con phục vụ GS Quang vì chiếc xe Volga vốn của GS Tôn Thất Tùng đã quá cũ. Thời điểm này, ông Giang học ở về Pháp về và rất muốn triển khai phẫu thuật nội soi, nhưng cơ sở vật chất hoàn toàn chưa có gì. Ông đã tâm sự điều này với GS Vũ Mạnh, người cũng mong cho chuyên ngành phẫu thuật nội soi ở Việt Nam phát triển, vì lúc này phẫu thuật nội soi đang rộ lên ở các nước tiên tiến.

Biết GS Quang đang có "cục tiền" để mua xe, GS Vũ Mạnh bèn cùng cậu học trò lên gặp ông để trình bày. Người thầy lớn của y học Việt Nam lập tức đồng ý: "Tôi thì cần gì xe ô tô. Các anh cứ lấy 500 triệu đồng đó, rồi bệnh viện bù thêm nữa vào mà mua máy phẫu thuật nội soi".

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 12

Tiền mua máy đã lớn, nhưng còn vô số các điều kiện, thiết bị đi kèm cũng đắt, dễ hỏng.

Đơn giản nhất là điện, bình thường đang mổ mà mất điện, thì dùng đèn pin, đèn bão; còn với mổ nội soi mất điện là "tịt". Hay như mổ mở có thể gây mê, gây tê… còn mổ nội soi nếu gây mê không tốt thì không làm được, kèm theo đó là hệ thống khí y tế, oxy… "Các bạn có thể hình dung là cần trang thiết bị đầy đủ, chuẩn mực như bây giờ, nhưng tại thời điểm mấy chục năm về trước là quá khó khăn. Cũng vì thế, khi đó các chuyên gia nói chỉ nên triển khai ở các nước phát triển", GS Giang nhớ lại.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 14

Ông vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên khi chuyên gia nước ngoài sang mổ ca đầu tiên, mang theo một máy quay phim cầm tay. Khi đó có một kỷ niệm "hơi xấu hổ chút" nhưng ông thấy rất ấn tượng và cũng vì thế nó tạo ra sự thay đổi lớn, giúp các nước thế giới thứ 3 phát triển kỹ thuật nội soi.

"Khi đó, họ quay được cảnh tại Bệnh viện Việt Đức là bên cạnh vết mổ của bệnh nhân khi thay băng có một con ruồi to tướng đậu bên cạnh. Phóng sự của họ phát lên, có một câu bình rất ấn tượng: "Với phẫu thuật nội soi, kể từ nay những con côn trùng như thế này ở những nước vùng nhiệt đới không bao giờ có cơ hội làm nhiễm trùng vết mổ của người bệnh nữa", GS Giang kể lại.

Tại Việt Nam, từ những năm 1970 các thầy đã làm soi ổ bụng, mục đích để xem chấn thương.

Theo GS Giang, nhân duyên của ông với kỹ thuật nội soi có lẽ ngấm dần dần từ khi còn đi học. Từ năm 1983, cậu sinh viên trẻ ấy ngày nào cũng leo đẽo theo thầy cô xem soi ổ bụng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai rồi xin nhìn thử.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 15
Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 17

Ca mổ đầu tiên, ông Giang cùng các đồng nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, vì động vào cái gì cũng... không có. Nhưng các bác sĩ không vì thế mà từ bỏ, quyết tâm bằng được đưa kỹ thuật mổ quý tộc về Việt Nam.

GS Giang chia sẻ: "Không phải mua được cái máy về là cứ thế dùng mà phải tự mày mò, tìm tòi, "chắp vá" hệ thống để đảm bảo đồng bộ các điều kiện đi kèm về trang thiết bị hạ tầng, điện, nước, hệ thống bơm khí…"

"1 ống soi mấy trăm triệu rơi phát là đi đời nhà ma", GS Giang cười nhớ lại.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 19

Ông cùng các đồng nghiệp mày mò, phần nào Việt Nam chưa có thì tự chế ra sao cho đúng công dụng, phù hợp, chẳng hạn như không có bình tiêu chuẩn bơm khí O2 thì lấy bình to, tìm mua bộ phận điều chỉnh áp lực ở... chợ Giời. Không có túi vô trùng sử dụng trong khi mổ vì quá đắt (150 đô la/túi), các bác sĩ đành dùng túi nilon chuyên dùng để đựng mứt, chè, đám ăn hỏi ở Hàng Chiếu để thay thế, rồi lại tìm túi để bọc bên ngoài ống kính, túi phải hấp vô trùng thủ công…

"Có thể nói là vô vàn khó khăn! Thậm chí có thầy còn bảo: "Mổ mở còn chẳng ăn ai nói gì mổ nội soi, nhìn thấy gì mà cắt". Bây giờ, có thể thấy nản nhưng thời ấy đang thanh niên "hăng máu" nên vẫn mày mò làm, dần dần mọi thứ đi vào quỹ đạo, mọi người cũng dần hiểu ra, rất nhiều người động viên", GS Giang cười.

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 21

Người đứng đầu Bệnh viện Việt Đức cũng thừa nhận khi đó mình có chút liều khi nhận mổ nội soi những ca cắt túi mật đầu đầu tiên, rồi mổ thoát vị bẹn bằng nội soi.

Cũng theo ông, kỹ thuật mổ nội soi tại Việt Nam bắt đầu có sự phát triển bùng nổ từ năm 2010, các kỹ thuật viên bắt đầu thử thách với những kỹ thuật khó. Và "hữu xạ tự nhiên hương", nhiều bạn bè quốc tế đã đến Việt Nam để học về cắt gan nội soi, mổ nội soi 1 lỗ tuyến thượng thận…

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 23

"Dần dần qua các chuyến đi học, hội nghị quốc tế họ cũng biết "chất" của bác sĩ Việt Nam, nên nhiều nước sang học về mổ nội soi như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan… Trong khu vực, trình độ phẫu thuật nội soi của Việt Nam thuộc top đầu châu Á" GS Giang tự hào nói.

"Khi người ta trẻ người ta sẽ có hoài bão, muốn chinh phục, muốn làm cái gì mới", GS Giang nói.

Và lần đầu tiên xem ca mổ nội soi trên thế giới, ông nghĩ rằng mình không thể triển khai sớm được, vì không có tiền, vì trang thiết bị của họ quá hiện đại... "Chính tại các nước phương Tây còn nói đây là loại hình phẫu thuật của nhà quý tộc".

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 25

 Ông vẫn nhớ cảm giác thực hiện ca mổ nội soi đầu tiên sung sướng, thậm chí có một chút tự kiêu trong lòng nhưng không dám nói ra. Đây là một trường hợp bị trào ngược thực quản vì thế phải mổ tạo van để ngăn không trào ngược. Để mổ thực quản mà mổ mở cực khó, vì nằm sâu nấp dưới gan, lách nhưng mổ nội soi lại dễ hơn.

Ông cũng cho biết bản thân phải mang ơn những bệnh nhân đầu tiên vì đã chấp nhận mổ, vì đã tin tưởng vào ông.

Dù không đi vào lĩnh vực về nội soi, nhưng GS Tôn Thất Bách đã 2 lần giao cho GS Giang mổ nội soi cho chính, người thân của mình, như một minh chứng rằng ông (GS Bách) ủng hộ phát triển phẫu thuật nội soi khiến GS Giang càng yên tâm với con đường đã chọn.

"Thầy Bách hỏi tôi làm được không. Tôi khẳng định được. Thế là ông giao bệnh nhân rồi bỏ đi. Đó là điều tôi nhớ mãi vì thầy rất hiểu nếu đứng "chiếu tướng" ở đó (phòng mổ-PV), tôi không thể thực hiện được dứt khoát như khi chủ động một mình".

Con ruồi đậu cạnh vết mổ và hành trình phẫu thuật nội soi đến Việt Nam - 26

Là người đứng đầu một bệnh viện ngoại khoa lớn, nguyên Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, ông Giang cho biết mình sẽ dành đam mê truyền lửa cho lớp trẻ, để phát triển kỹ thuật mới ngày càng tốt hơn.

Câu chuyện về mổ nội soi cho thấy nền y học, bác sĩ ở Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia tiên tiến nào. Kỹ thuật nào tốt nhất, tiên tiến nhất chúng ta cũng đang vận dụng vào chữa bệnh. Đến nay, các trung tâm y tế lớn của đất nước đều đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu lớn, tay nghề của các bác sĩ tại các trung tâm lớn của Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh được bạn bè quốc tế công nhận….

Với sự phát triển của công nghệ robot phẫu thuật và hệ thống công nghệ thông tin và truyền dẫn tốc độ cao, đã có một số trung tâm trên thế giới thực hiện những ca mổ với robot được điều khiển từ xa mà trường hợp đầu tiên đã được thực hiện với nhóm điều khiển tại thành phố Strassbourg, Pháp còn robot mổ bệnh nhân tại Newyork, Mỹ năm 2003. Khi công nghệ càng phát triển, ông cũng mơ có robot để mổ từ xa như ca mổ nội soi xuyên Đại Tây Dương này. Hiện nay tại Việt Nam, các bác sĩ mới chỉ dừng lại ở mức tư vấn mổ từ xa.

Ngày 24/12/2020, GS.TS- Thầy thuốc Nhân dân Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo trong công tác chuyên môn và quản lý điều hành một bệnh viện hạng đặc biệt đầu ngành về ngoại khoa.

Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên, là trung tâm phẫu thuật chuyên sâu lớn nhất của cả nước thực hiện tiếp nhận và điều trị các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương, chủ yếu do tai nạn giao thông và những trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp. Hiện số lượng người bệnh tới khám và điều trị tại bệnh viện lên tới 300.000-400.000 người bao gồm nhiều mặt bệnh đa dạng, tỷ lệ số người cần điều trị nội trú hoặc cần can thiệp phẫu thuật lên tới 70.000. 

Bài viết : Bảo Trung - Nam Phương

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Khương Hiền