Người đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam

(Dân trí) - Với các bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa, điều ám ảnh nhất chính là đường mổ lớn ở vùng bụng khiến thời gian phục hồi rất lâu, bệnh nhân thực sự trải qua một cuộc đại phẫu. Khi mổ nội soi ra đời, từ đường mổ dài, bác sĩ chỉ “đục” 3- 5 lỗ trên thành bụng, đến giờ có những can thiệp chỉ cần “đục” 1 lỗ, thậm chí không cần "đục" lỗ do đi qua lỗ tự nhiên của cơ thể.

Phá bỏ hoài nghi về mổ nội soi

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ổ bụng" của tác giả, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức đạt giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 đã một lần nữa khẳng định những giá trị phẫu thuật nội soi tiêu hóa mang lại.

Người đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam - 1

Ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lên sân khấu cùng bà Nguyễn Thị Doan trao giải Nhất, lĩnh vực Y Dược cho các tác giả.

Người đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam - 2

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhận giải Nhất lĩnh vực Y Dược Nhân tài đất Việt 2019.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi ở Việt Nam là một trong lĩnh vực khoa học đi gần với sự phát triển của chuyên ngành này trên thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện, chỉ sau 5 năm, Việt Nam tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. GS Giang là một trong những người đầu tiên mổ trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và đã phát triển để trở thành một thế mạnh mà nhắc đến mổ nội soi tiêu hóa là không ai không nghĩ đến Bệnh viện Việt Đức.

Người đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam

GS Giang chia sẻ, lần đầu tiên nhìn thấy các chuyên gia Pháp mổ một ca nội soi khi đang trong kỳ học cuối cùng tại Pháp, ông ngỡ ngàng đến bất ngờ bởi sự thay đổi quá lớn cho người bệnh. Từ chỗ một vết mổ to, dài trên bụng được thay thế bằng một vài lỗ nhỏ trên thành bụng vẫn có thể giải quyết hiệu quả bệnh tật cho bệnh nhân. Ông ao ước có thể mang kỹ thuật này về Việt Nam, nhưng đây vốn được coi là “phẫu thuật quý tộc” với chi phí tốn kém ở Châu Âu, nên ông không nghĩ Việt Nam có thể triển khai được sớm như vậy.

noisoi.JPG

GS.TS Trần Bình Giang (người đứng giữa) trong một ca can thiệp nội soi tiêu hóa cho người bệnh.

“Chúng tôi có được sự nâng đỡ, hỗ trợ của các thầy, những người chưa từng làm về nội soi nhưng hết sức ủng hộ học trò. Nếu không có những sự ủng hộ đó, chúng tôi không bao giờ có thể làm được”, GS Giang chia sẻ.

Đến giờ, sau gần 30 năm gắn bó với chuyên ngành phẫu thuật nội soi tiêu hóa, ông vẫn nhớ ca phẫu thuật nội soi đầu tiên mà ông thực hiện trước đó 27 năm.

Đây là ca bệnh bị trào ngược thực quản. Căn bệnh này xảy ra khi “van” ngăn bị hỏng, bác sĩ sẽ phải mổ để sửa chữa lại. Đây là một phẫu thuật rất khó khi mổ mở thực quản, nhưng với nội soi lại có cơ hội hơn do dụng cụ có thể lách vào để soi rõ, bác sĩ sửa chữa van qua nội soi.

“Cảm giác thực hiện ca mổ nội soi đầu tiên của bản thân rất sung sướng. Tôi vui nữa, vì đã chứng minh ngược lại những ý kiến băn khoăn về nội soi, cho rằng “mổ mở không ăn thua nữa là mổ moi”, thấy tự hào vì đã không phụ lòng tin của các thầy tin tưởng, động viên mình mổ”, GS Giang chia sẻ.

Là một trong những người tham gia phẫu thuật nội soi đầu tiên, GS Giang đánh giá phẫu thuật nội soi đem đến một cuộc cách mạng cho bệnh nhân, thay thế cho những ca mổ mở nặng nề, chậm hồi phục sau mổ và tỉ lệ tai biến, biến chứng sau mổ cũng rất cao.

GSGiang.JPG

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

"Tôi luôn ghi ơn những người thầy đã ủng hộ để mang một phẫu thuật vốn được coi là quý tộc của Châu Âu về Việt Nam và phủ sóng rộng khắp như hiện nay, mang đến cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh", GS Giang chia sẻ.

Mở rộng sang nhiều bệnh lý

Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên trên thế giới, người ta ví như vụ “bom nguyên tử”. Tại Việt Nam, ca đầu tiên thực hiện năm 1992 cũng gây rúng động giới y khoa bởi chỉ với một vết mổ nhỏ tí ti đã giải quyết được căn bệnh vốn trước đó phải mổ “phanh”, với đường mổ dài, hồi phục lâu.

"Với phẫu thuật nội soi, người thầy thuốc có thể vừa nhìn thấy trực tiếp tổn thương vừa có thể sửa chữa, xử lý các tổn thương mà người bệnh chỉ phải chịu một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trên thành bụng, bệnh nhân mất máu ít hơn trong mổ, sau mổ ít đau hơn và có thể phục hồi sức khỏe sau mổ sớm hơn so với mổ mở thông thường", GS Giang cho biết.

Vì thế, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ của phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh ổ bụng” với thành quả đã đưa ra 7 quy trình ứng dụng về phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ổ bụng như: Quy trình phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư thực quản; Quy trình nội soi cắt thận mất chức năng; Quy trình nội soi cắt khối tá tuỵ; Quy trình phẫu thuật nội soi 1 lỗ cắt ruột thừa; Quy trình phẫu thuật nội soi 1 lỗ cắt túi mật; Quy trình phẫu thuật nội soi qua đường lỗ tự nhiên cắt ruột thừa trên thực nghiệm; Quy trình phẫu thuật nội soi qua đường âm đạo cắt ruột thừa. 

Với hai lĩnh vực khó là cắt khối tá tuỵ ung thư đường mật, ung thư tuỵ, phẫu thuật nội soi cũng đã khẳng định hiệu quả tuyệt vời.

noisoi.JPG

Việc giảm từ đường mổ dài, xuống mổ còn 3 - 5 lỗ, rồi xuống nội soi 1 lỗ, nội soi qua lỗ tự nhiên của cơ thể đã giảm tác động tốt nhất cho người bệnh, điều trị hiệu quả bệnh tật.

"Đây là những phẫu thuật lớn, phức tạp và phẫu thuật nội soi đã đem đến lợi ích vượt bậc so với mổ mở. Nội soi cắt khối tá tuỵ cũng lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, mà trước đây không ai nghĩ có thể làm được vì đó là kỹ thuật khó", GS Giang đánh giá.

Các phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân tránh được một cuộc đại phẫu, giảm đau, người bệnh đỡ mất máu, hạn chế dùng kháng sinh và điều tuyệt vời nhất là không phải nằm viện lâu. Trước kia, mổ mở bệnh nhân nằm viện cả chục ngày, thì nay 2 - 3 ngày bệnh nhân được xuất viện. 

Từ những ca mổ nội soi đầu tiên, sơ khai cắt túi mật, cắt ruột thừa đến nay nhờ phẫu thuật nội soi người ta có thể thực hiện những phẫu thuật phức tạp nhất như cắt thận, cắt gan, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy… Phẫu thuật nội soi đã can thiệp tới hầu hết các tạng, chiếm tỷ lệ cao trong số các phẫu thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới.

“Từ những đường mổ lớn ở bụng, phẫu thuật nội soi chỉ đục 3 – 5 lỗ, rồi tiến tới một lỗ, thậm chí không lỗ nào khi can thiệp qua lỗ tự nhiên của cơ thể, giảm tác động tốt nhất đến người bệnh, chỉ sau một ngày bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường", GS Giang nói.

Đặc biệt, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, GS Giang cùng các cộng sự đã có sự cải tiến phù hợp. Như với các nước phương Tây, phẫu thuật nội soi rất đắt tiền bởi máy móc chuyên dụng làm một lần rồi bỏ đi. Ở Việt Nam, các bác sĩ đã sáng tạo trong kỹ thuật, dù nội soi 1 lỗ (chỉ đục duy nhất 1 lỗ trên bụng người bệnh) nhưng vẫn dùng dụng cụ của nội soi thông thường, vì thế chi phí không bị tăng nhiều.

Không chỉ thực hiện trong phạm vi bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi. Đến nay, hầu hết các trung tâm lớn, bệnh viện tỉnh trong cả nước đã thực hiện mổ nhiều kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa thường quy, giảm gánh nặng rất lớn cho người bệnh như với mổ mở.

GS Giang cho biết: "Có thể nói rằng kỹ thuật nào về nội soi ổ bụng tiên tiến nhất trên thế giới chúng tôi cũng đang làm. Máy móc, trang thiết bị, con người chúng ta không thua kém họ. Vì thế, người Việt hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng y tế trong nước thay vì ra nước ngoài điều trị". 

Hồng Hải - Nam Phương