“Còn hút thuốc lá thì đừng mong ngừa đột quỵ”

(Dân trí) - Trong buổi giao lưu cùng bệnh nhân, BS Lương Lễ Hoàng nhấn mạnh: thuốc lá, tiểu đường là 2 nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, hàng triệu người tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch cho thấy thuốc đặc trị tuy hiệu quả hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn chưa là đáp án trọn vẹn. Đột quỵ và hậu quả bị liệt vẫn trước sau là cơn ác mộng của người cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, tiểu đường… Có cách nào chủ động hơn nhằm đẩy lùi bệnh tim mạch hay đành chấp nhận trời kêu ai nấy dạ? Đó là trọng điểm của buổi giao lưu y học “Làm sao phòng tránh đột quỵ?” (vào cửa miễn phí) được tổ chức ngày 19/4 tại TPHCM do BS Lương Lễ Hoàng trình bày.

Theo BS Lương Lễ Hoàng, khói thuốc lá là hóa chất độc hại nhất đối với bệnh tim mạch
Theo BS Lương Lễ Hoàng, khói thuốc lá là hóa chất độc hại nhất đối với bệnh tim mạch

Trong buổi giao lưu, BS Lương Lễ Hoàng nhấn mạnh: thuốc lá, tiểu đường là 2 nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Thuốc lá làm tăng nhanh quá trình vữa xơ động mạch từ đó gây bệnh tim (bệnh động mạch vành), tai biến mạch não, bệnh động mạch ngoại vi, vì vậy, muốn phòng tránh đột quỵ nhất thiết phải bỏ thuốc lá.

BS Lương Lễ Hoàng dẫn chứng: “Ở Na Uy, sau 2 năm cấm hút thuốc ở nơi công cộng đã thu được kết quả là bệnh tim mạch giảm mạnh một cách bất ngờ. Tôi rất mong Việt Nam cũng áp dụng được như vậy. Hơn nữa, 80/7.000 chất trong khói thuốc chắc chắn gây ung thư. Còn hút thuốc lá thì đừng mong ngừa đột quỵ và đừng hỏi vì sao bây giờ bệnh ung thư nhiều vậy!”.

Tiếp đến, tiểu đường góp phần đẩy nhanh tiến trình xơ vữa động mạch, khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều tai biến tim mạch. Vì vậy, BS Hoàng ví tiểu đường là sát thủ phía sau đột quỵ: “Ít nhất 50% người bị đột quỵ đang mắc bệnh tiểu đường, hoặc bị tiểu đường mà chưa biết. Vì vậy, tôi khuyên các ông, các bà hãy đi tầm soát tiểu đường, đừng để tiểu đường “đánh lén” làm cho đột quỵ nhé”.

Cũng theo BS Lương Lễ Hoàng, muối và cholesterol không phải là thủ phạm chính gây đột quỵ vì 40% người bị đột quỵ hiện nay không hề cao huyết áp. Chế độ ăn đầy đủ muối sẽ giúp giảm nguy cơ bị bệnh alzheimer. Bằng chứng là trên thế giới, quốc gia có tỷ lệ alzheimer thấp nhất là Ấn Độ, nơi người dân ưa chuộng món càri được nêm khá mặn.
 
Đồng thời, BS Hoàng nhấn mạnh rằng mọi người nên đề phòng đột quỵ vào lúc sáng sớm do tăng huyết áp đột ngột: “Sáng sớm thức giấc, bà con đừng bật dậy ngay mà hãy nằm điều hòa nhịp thở của mình trong 1-2 phút để cho huyết áp ổn định thì mới ngồi dậy từ từ. Điều này vô cùng hữu ích nếu bà con còn muốn thức dậy vào những buổi sáng tiếp theo”.

Liên quan đến giấc ngủ, BS Hoàng đưa ra lời khuyên hài hước: “Đừng quá xem trọng việc mỗi ngày phải ngủ đủ 8 tiếng. Quan trọng nhất là 4 tiếng đầu của giấc ngủ cần được ngủ ngon, không bị ai quấy rầy. Nằm đủ 8 tiếng mà ngủ không sâu thì thà thức dậy làm việc nhà, làm hết việc nhà thì ra dọn rác ngoài đường để giúp thành phố xanh sạch đẹp”.

Một vấn đề nhiều người quan tâm là việc sơ cứu khi đột quỵ. BS Lương Lễ Hoàng trả lời: “Cách sơ cứu đột quỵ hay nhất là gọi xe cấp cứu! Bác sĩ cứu triệt để còn trầy trật nữa, huống hồ là nằm nhà cứu sơ sơ. Tôi thấy có người khuyên vắt chanh vô miệng bệnh nhân đột quỵ, tào lao hết sức. Chanh đó để quậy nước cho người nhà uống, lấy sức mà khiêng bệnh nhân ra xe đưa đi bệnh viện cho lẹ!”.

Qua 3 giờ của buổi giao lưu, gần 400 khán giả là người trung niên và cao tuổi đã được BS Lương Lễ Hoàng phổ biến nhiều kiến thức bổ ích trong việc phòng tránh đột quỵ bằng lối diễn đạt dí dỏm, giúp những kiến thức y khoa khô khan được người nghe tiếp thu và áp dụng dễ dàng.

Hồng Nhung