1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

'Coi chừng vì lợi nhuận mà đánh mất tính nhân văn'

Đó là lo lắng của một số đại biểu tại buổi làm việc của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM về tình hình tự chủ tài chính bệnh viện với Sở Y tế TP.HCM, ngày 13-4.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Ban Văn hóa xã hội (VH-XH), lo lắng các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP đã và đang tính tới tự chủ toàn phần, chắc chắn doanh thu sẽ được chú trọng do không được bao cấp như trước nữa.

"Tôi lo nếu hoạt động như một doanh nghiệp thì ít nhiều tính nhân văn của BV sẽ giảm dù các BV đều ý thức cạnh tranh để tăng chất lượng, thu hút người bệnh. Lúc đó người có tiền hưởng dịch vụ cao, người nghèo chịu thiệt thòi hơn vì không sử dụng được nhóm dịch vụ, chờ đợi mất thời gian. Mong Sở Y tế quan tâm đảm bảo quyền lợi của người bệnh”, bà Nhàn bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban VH-XH, lo ngại khi thực hiện tự chủ, các BV sẽ đẩy mạnh dịch vụ để tăng thu, như vậy sẽ thiệt thòi cho người chỉ sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh.

"Chúng tôi đi khảo sát, thấy bệnh nhân khám bảo hiểm xếp hàng chờ đợi đến lượt khám trong khi nếu khám dịch vụ sẽ được giải quyết nhanh hơn. Đề nghị Sở Y tế xem xét, nghiên cứu thêm về vấn đề này để bệnh nhân nghèo hoặc người sử dụng bảo hiểm y tế bớt thiệt thòi", bà Nhung kiến nghị.

Các đại biểu lo lắng bệnh nhân nghèo sẽ thiệt thòi khi tự chủ bệnh viện . Ảnh: HL
Các đại biểu lo lắng bệnh nhân nghèo sẽ thiệt thòi khi tự chủ bệnh viện . Ảnh: HL

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, phân trần: “Ai vào làm BV cũng muốn chuyên tâm vào chuyên môn chứ không muốn làm kinh tế. Tuy nhiên, việc tự chủ cũng đem lại nhiều lợi ích như khuyến khích BV đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giữ chân người lao động dù bên cạnh đó còn nhiều bất cập, mong có sự chia sẻ của các ban ngành”.

Bà Tuyết cũng khẳng định dù tự chủ nhưng BV vẫn ý thức được ý nghĩa nhân văn của ngành y là đặt quyền lợi người bệnh lên hàng đầu. Bà Tuyết dẫn chứng tại BV Hùng Vương, hàng tháng vẫn sẵn sàng cấp cứu và hỗ trợ cho các ca sản phụ gặp tai biến sau sinh gặp khó khăn bằng cách lấy nguồn quỹ dịch vụ bù vào. Ngoài ra, khi cử bác sĩ xuống hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới như Cần Giờ, ngoài tiền ngân sách cấp, BV vẫn phải đảm bảo thu nhập tăng thêm cho bác sĩ yên tâm công tác.

Theo bà Tuyết, cơ chế tự chủ hiện mang lại lợi ích cho ngành y tế trong điều kiện không có đủ ngân sách chi cho các hoạt động y tế. Tuy nhiên trong vòng vài năm nữa, nếu không phù hợp thì cần thay đổi.

Bà Tuyết cũng đề nghị, để đảm bảo cơ chế tự chủ minh bạch cần có bộ phận hướng dẫn các BV xây dựng cơ chế tài chính, khung giá dịch vụ vì hiện tại giá dịch vụ không có cơ chế chung. “Bác sĩ không thể nào đi xây dựng giá dịch vụ vì không học kinh tế, đưa cho bộ phận tài chính làm thì không thể nào xuể”, bà Tuyết nói.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm