Coi chừng ăn nhộng ve bị ngộ độc

Từ tháng 4 đến nay, tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy có 22 người mắc, 19 người đi viện với biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, run, trong đó có 5 người phải đi cấp cứu tại BV Chợ Rẫy (TPHCM) do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm.

  

Coi chừng ăn nhộng ve bị ngộ độc


Hai vụ ngộ độc lớn tại gia đình này là do người thân trong nhà lấy ấu trùng ve sầu ở dưới đất, trong những gốc cây có lá mục để chế biến (rang, xào) làm thức ăn.

 

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm: Các ấu trùng này có hình dáng khác thường, trên đầu nhộng ve sầu có 1 - 5 cọng (thân) và phần cuối hơi phình ra (quả). Ấu trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm độc. Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ tùy thuộc lượng ăn vào (có trường hợp chỉ ăn có 1 con nhộng vẫn bị bệnh). Người bị ngộ độc có các biểu hiện nôn ói, chân tay co giật và dẫn đến hôn mê sâu. Đặc biệt, bệnh cảnh sẽ nặng hơn nếu có uống rượu kèm theo.

 

Trong thực tế và trong dân gian, có nhiều loại nhộng của các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ve…) dùng để làm thức ăn. Tuy nhiên, khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất dễ có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh. Vì thế, khi con người ăn rất dễ bị ngộ độc cấp tính nặng, dù đã qua chế biến; bởi độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ và không mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa.

 

Vì thế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người dân cần thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn. Tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ khi không biết chính xác đó là loại gì, hoặc ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, mà̀u sắc khác lạ  với tự nhiên.

 

Theo Ng.H

Lao động