Có thể yên tâm dùng hộp xốp?
(Dân trí) - Cả 40 mẫu ngẫu nhiên được kiểm nghiệm đều không có chất độc hoặc dưới mức cho phép. Như vậy có nghĩa là hộp xốp hoàn toàn an toàn? Và nó có mang tính đại diện cho tất cả các hộp xốp đựng thực phẩm có mặt trên thị trường Hà Nội?
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Hảo (ảnh), Viện Phó Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia.
Được biết thời gian qua, Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia có lấy một số mẫu hộp xốp để xét nghiệm tìm độc chất. Xin bà cho biết cụ thể về kết quả này?
Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu xác xuất ngẫu nhiên tại các cửa hàng bán cơm và xôi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các mẫu được lấy đều đảm bảo theo đúng quy trình lấy mẫu của Bộ Y tế. Đến nay, đã có 40 mẫu hộp xốp đựng thực phẩm được lấy ngẫu nhiên, hoàn toàn đúng quy trình và được tiến hành xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 40 mẫu hộp xốp này không có độc chất, các chất có khả năng thôi nhiễm ra thực phẩm đều ở dưới ngưỡng cho phép.
Vậy những chỉ số nào được quan tâm nhất trong quá trình kiểm nghiệm, thưa bà?
Chỉ số được quan tâm trong quá trình kiểm nghiệm là các chất có thể thôi nhiễm ra khi chứa đựng thực phẩm. Các mẫu này đều được xét nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, theo đúng quy định về quy trình xét nghiệm.
Ông Nguyễn Công Khẩn cho biết: “Từ tháng 1/2010 đến nay đã có 51 mẫu hộp, túi đựng thức ăn được Bộ Y tế kiểm tra chất lượng, bao gồm: ống hút, hộp xốp nhựa, nắp nhôm đồ hộp, lọ thủy tinh đựng thức ăn... Kết quả cho thấy chưa có mẫu nào có hàm lượng chất độc hại thôi nhiễm ra thực phẩm quá mức cho phép”. |
Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm là một viện đầu ngành về kiểm nghiệm, nên tôi khẳng định, việc lấy các mẫu hộp xốp này hoàn toàn ngẫu nhiên và đúng quy trình.
Cả 40 mẫu này đều được lấy ở thị trường Hà Nội, nên có thể nói, đây là kết quả đại diện cho thị trường Hà Nội.
Vậy bà có lời khuyên gì cho người dân về việc sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm chế biến sẵn, cũng như các hộp gia dụng đựng thực phẩm trên thị trường hiện nay, làm sao để giảm thiểu tối đa tác hại từ những hộp gia dụng này (nếu có)?
Người dân cần phân biệt sự khác nhau giữa bản chất của hộp xốp và sự thôi nhiễm từ hộp xốp. Bản chất hộp có thể được sản xuất từ polystyrene (PS), nhưng không phải cứ sản xuất từ polystyrene thì hàm lượng styrene thôi nhiễm ra thực phẩm sẽ cao. Hộp xốp là đồ đựng thức ăn, do đó những quy định hiện nay của Việt Nam và thế giới đều chỉ quy định hàm lượng chất thôi nhiễm cho phép (PEL - permissible exposure limit) từ hộp xốp. Đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã chính thức thông báo về các chất có thể thôi nhiễm ra từ hộp xốp khi chứa đựng thực phẩm là không vượt phép, vì thế người tiêu dùng không nên quá hoang mang.
Có thông tin cho rằng, khi đựng thức ăn nóng vào hộp xốp, nó có thể thôi nhiễm ra một số chất, ngấm vào thực phẩm có thể gây hại cho cơ thể. Theo bà, thông tin này có chính xác không? Người tiêu dùng có nên đựng đồ ăn nóng vào hộp xốp?
Trong 40 mẫu hộp xốp được tiến hành xét nghiệm, chúng tôi kiểm tra cả yếu tố vật lý, cho vào môi trường phân cực đến không phân cực. Nói cụ thể, là hộp xốp này đều được đưa vào môi trường từ dầu mỡ, muối… đến nước và có trải qua quá trình tác dụng nhiệt (theo từng dải nhiệt độ khác nhau), và kết quả cho thấy những chất có thể thôi nhiễm ra không hề vượt phép. Vì thế, với những hộp xốp đảm bảo chất lượng, đựng đồ ăn nóng cũng không nguy hại gì.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên có thói quen hỏi nguồn gốc sản phẩm trước khi mua hàng, tránh mua phải những hộp xốp không đảm bảo tiêu chuẩn như đăng ký thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Xin cảm ơn bà!
Hà Nội: Tăng cường quản lý nguồn gốc hộp xốp
Chiều 1/4, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội không cấm sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm đã chế biến, nhưng nguyên tắc là chúng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong tuần tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, giao cho trung tâm y tế 29 quận huyện phối hợp để kiểm tra việc sử dụng hộp xốp tại các hàng quán. Theo đó, đây là một bao bì đựng sản phẩm ăn liền, người bán hàng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn thì mới được phép sử dụng. Nếu không có những giấy tờ này thì là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ phải tịch thu, tiêu hủy.
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong thời gian tới Cục sẽ điều chỉnh quy định, việc công bố chất lượng sẽ không còn quan trọng, mà quan trọng là đẩy mạnh hậu kiểm để tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm. |
Hồng Hải (thực hiện)