Cớ sao tiếc một nụ cười

Trường Thịnh

(Dân trí) - Có câu nói "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", nụ cười của mình trân quý mà không mất phí, cớ sao tiếc một nụ cười?

- Cô em ở văn phòng Prudential nơi tôi làm tư vấn viên nói với tôi: Anh ơi! Em không tin anh mắc bệnh K đâu đấy!

- Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Sao em lại nói vậy?

- Cô em cười ranh mãnh: Hôm trước em mới nghe chị Mai chia sẻ, anh bị bệnh K mà em chẳng tin.

- Tôi lại hỏi lại: Vì sao?

- Cô nói: Vì em thấy lúc nào anh cũng cười rất tươi!

- Tôi hỏi lại cô: Chứ chẳng lẽ lúc nào cũng rầu rĩ à em?

Đó là một trong rất nhiều người hay hỏi tôi vì sao tôi mắc bệnh K mà lúc nào cũng cười tươi. Tôi thường có tâm thức trả lời họ là không nhất thiết phải buồn phiền, rầu rĩ chỉ vì bị bệnh. Có thể tôi là một người vô tâm nên trong tâm tưởng tôi rất ít khi vướng bận về căn bệnh tôi đang mắc phải. Tất nhiên, cũng không đến nỗi quên hẳn mà chỉ là tôi đã biết gạt cái suy nghĩ ấy sang một bên. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi buồn rầu vì bệnh của mình, ắt hẳn những người thân của tôi cũng không thể nào vui được.

Xung quanh tôi, những người bị K không hiếm. Nhưng tôi thấy khá nhiều người bi quan. Tại sao tôi nhận ra điều đó? Chính là gương mặt. Gương mặt là nơi phản chiếu tâm tư của mỗi người. Dù cho họ có gượng cười, giả tạo ra tận mặt thì ngay trong ánh mắt, nụ cười của họ không thể được tự nhiên. Buồn phiền bệnh cũng không có gì lạ cả, vì những thông tin về những người bị bệnh hiểm nghèo thường xuyên được cập nhật qua truyền miệng, mạng xã hội...

Làng tôi có một số người bị bệnh, nhưng khi phát hiện ra thì bệnh đã vào giai đoạn cuối. Vì vậy mà chỉ thời gian ngắn thôi, họ đã về nơi chín suối. Tôi và một số bạn bè bị bệnh may mắn hơn họ vì nhờ tình cờ, chúng tôi đã phát hiện ra bệnh sớm hơn. Được nhiều người chia sẻ, bệnh hiểm nghèo cũng không đến nỗi nghiêm trọng như ta tưởng. Bệnh sẽ càng xấu đi nếu ta mắc "tâm bệnh".

Cớ sao tiếc một nụ cười - 1
Tác giả Trịnh Quang Cảnh.

"Tâm bệnh" ở đây tôi đang muốn nói đến chính là những lo âu, phiền muộn của chính mình. Tôi cũng có một thời gian sau khi biết bệnh của mình đã ôm đồm nhiều suy nghĩ. Ngày không tập trung vào công việc, đêm thì trằn trọc suy nghĩ. Tôi đã từng có những câu hỏi cho mình, có lẽ cũng nhiều người như vậy. Bệnh có chữa được không? Bao giờ mình chết? Gia đình rồi sẽ ra sao? Con cái nheo nhóc sẽ thế nào?... Những câu hỏi đó cứ vẩn vơ hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ, hằng phút... làm cho tôi cũng ảo não vô cùng!

Rồi tôi cũng nhận thức được, lo âu đấy, buồn rầu ấy có giải quyết được gì? Tại sao mình không tự tạo niềm vui cho mình? Bản thân có vui thì người nhà mới vui vẻ. Tôi trấn tĩnh được mình và tiếp tục hăng say với công việc thường nhật. Tôi quên đi chính căn bệnh quái ác mà tận hưởng những ngày tươi đẹp. Đã thế tôi còn phát triển thêm một nghề có những buổi huấn luyện sôi nổi là làm tư vấn viên cho công ty BHNT, hướng dẫn cho người khác kế hoạch tiết kiệm và chuẩn bị tài chính bảo vệ bản thân và gia đình họ.

Nụ cười luôn nở, ánh mắt nhìn đời cũng dễ chịu hơn. Tôi không còn chấp nhặt lỗi của người khác. Nhìn những ganh đua ghen tị của người khác tôi cũng thấy buồn cười. Tại sao? Cuộc đời vốn chẳng dài, ấy vậy mà chúng ta cứ lãng phí thời gian cho ganh tị, ghen ghét, thù hằn nhau. Tận hưởng sống những phút giây chúng ta đang tồn tại, chứ đừng nên chỉ là tồn tại lâu dài vô vị trong cuộc sống.

Nở nụ cười với người khác đem lại niềm vui cho họ, nhưng cũng là gạt bớt đi muộn phiền của bản thân. Có câu nói "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", nụ cười của mình trân quý mà không mất phí, cớ sao tiếc một nụ cười?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm