Có những yếu tố này bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng

Hà An

(Dân trí) - Các yếu tố như tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc một số polyp, từng cắt polyp, có bệnh viêm ruột, xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu… đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa. Tại Việt Nam, năm 2020 ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về cả số ca mới mắc và tử vong trong các loại ung thư thường gặp sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày với 16.426 ca mới mắc (chiếm tỷ lệ 9%) và tử vong 8.524 ca (chiếm tỷ lệ 6,9%).

Theo BS Nguyễn Thị Hà, khoa Xạ trị- Xạ phẫu, Viện Ung thư - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), ngày nay mặc dù có rất nhiều phương pháp điều trị mang lại hiệu quả nhưng kết quả của điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng chữa khỏi cao hơn so giai đoạn tiến triển. Vì vậy việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng có ý nghĩa rất quan trọng.

Có những yếu tố này bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng - 1

Nội soi đại trực tràng.

Trong đó, những người có yếu tố nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng cần bắt đầu tầm soát trước 45 tuổi, tầm soát thường xuyên hơn và hoặc làm các xét nghiệm cụ thể.

Cụ thể:

- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp: Tầm soát được khuyến nghị phụ thuộc vào người trong gia đình có bệnh ung thư và họ bao nhiêu tuổi khi được chẩn đoán. Một số người có tiền sử gia đình sẽ có thể làm theo các khuyến nghị dành cho những người lớn có yếu tố nguy cơ trung bình, những người khác có thể phải nội soi đại tràng thường xuyên và bắt đầu trước 45 tuổi.

- Tiền sử bản thân có cắt một số polyp nhất định trong quá trình nội soi: Hầu hết sẽ phải nội soi lại sau 3 năm, hoặc cần thiết thì có thể sớm hơn tùy thuộc vào loại, kích thước và số lượng polyp.

- Tiền sử bản thân có ung thư đại trực tràng: Bạn thường phải nội soi thường xuyên trong những năm đầu tiên sau phẫu thuật điều trị ung thư. Các xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp cộng hưởng từ, siêu âm cũng được khuyến nghị cho những người bị ung thư trực tràng, tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà họ đã được thực hiện.

- Tiền sử bản thân có bệnh viêm ruột: Cần được nội soi đại trực tràng bắt đầu ít nhất 8 năm sau khi họ được chẩn đoán mắc bệnh viêm ruột và nên thực hiện sau mỗi một đến ba năm tùy thuộc vào nguy cơ và các yếu tố gây ung thư đại trực tràng và các phát hiện trên nội soi trước đó.

- Tiền sử gia đình đã biết về hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền, như FAP, Lynch: Những người này cần phải nội soi đại trực tràng, được khuyến cáo sàng lọc từ khi còn trẻ, có thể sớm nhất là độ tuổi thiếu niên và thực hiện thường xuyên hơn, phụ thuộc cụ thể vào các hội chứng di truyền.

- Tiền sử cá nhân về xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu: Cần phải nội soi đại trực tràng hoặc xét nghiệm phân ở độ tuổi sớm hơn và tùy thuộc vào độ tuổi nhận bức xạ. Việc tầm soát thường bắt đầu sau 5 năm kể từ khi xạ trị hoặc từ 30 tuổi và cũng cần phải kiểm tra thường xuyên hơn ít nhất 3-5 năm một lần.

Sàng lọc ung thư đại trực tràng có nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm nguy cơ ung thư và loại bỏ nguy cơ, chẩn đoán bệnh khi giai đoạn còn sớm giúp điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tái phát và nguy cơ tử vong. Việc hạ tuổi của sàng lọc từ 50 còn 45 mang lại nhiều lợi ích cho cả những người nguy cơ trung bình và nguy cơ cao và nên được đưa vào những hướng dẫn sàng lọc để đạt được hiệu quả cao nhất trong dự phòng và điều trị ung thư đại trực tràng.