Có những triệu chứng này cần cảnh giác với ung thư thận
(Dân trí) - Ung thư thận có bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú và đa dạng. Bệnh có thể diễn biến tiềm tàng và khi có các triệu chứng điển hình thì thường đã ở giai đoạn muộn.
Thận là cơ quan bài tiết của cơ thể có vai trò chính trong việc lọc máu và tạo ra nước tiểu, giúp cơ thể loại bỏ chất thải ra bên ngoài.
Ung thư thận hay còn gọi là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ. Các triệu chứng của ung thư thận thường không xuất hiện cho đến giai đoạn sau hoặc cho đến khi khối u lớn. Ung thư thận thường được chẩn đoán ở những người trên 60 tuổi. Nó thường được tìm thấy một cách tình cờ trong các cuộc kiểm tra hình ảnh thông thường.
Triệu chứng cảnh báo ung thư thận
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng với những biểu hiện như đau lưng, đau bên hông, tụt cân hoặc chán ăn, sốt và đổ mồ hôi đêm… Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác như thoát vị đĩa đệm, viêm dạ dày…
Cụ thể, các triệu chứng của ung thư thận xuất hiện ở những vị trí như nước tiểu hoặc lưng dưới của bạn. Hầu hết các triệu chứng liên quan đến chức năng thận và sự phát triển của khối u.
Tiểu ra máu
Tiểu ra máu là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Nó xuất hiện ở 40-50% những người bị ung thư thận.
Ngay cả một lượng máu nhỏ cũng có thể gây ra sự thay đổi màu sắc như hồng, nâu hoặc thậm chí đỏ. Sự hiện diện của máu có thể không nhất quán, xuất hiện cách ngày. Đôi khi lượng máu quá nhỏ nên chỉ có thể được phát hiện trong quá trình phân tích nước tiểu.
Thông thường có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi đi tiểu nhưng nếu lượng máu rất ít chỉ thì có thể phát hiện khi phân tích nước tiểu.
Cảm giác đau hoặc tức vùng lưng hông
Đau do ung thư thận thường xuất phát ở một bên sườn, vùng lưng hông. Cơn đau có thể kéo dài và dao động từ âm ỉ đến dữ dội.
U ở bụng
Bệnh nhân ung thư thận có thể cảm nhận được khối u khi sờ tay lên bụng. Dù vậy đa phần khối u thận ở sâu trong ổ bụng nên khó cảm nhận, chỉ có thể nhìn thấy rõ trên hình ảnh siêu âm hoặc CT scan.
Mệt mỏi, thiếu máu
Mệt mỏi là một triệu chứng khá phổ biến ở hầu hết bệnh nhân ung thư nói chung. Các tế bào ung thư phát tác làm cản trở những chức năng và hoạt động bình thường của cơ thể, khiến người bệnh dễ cáu bẳn và suy nhược. Ở bệnh nhân ung thư thận, tình trạng thiếu máu cũng có thể gây ra mệt mỏi và suy nhược nghiêm trọng.
Biện pháp phát hiện ung thư thận
Xét nghiệm nước tiểu định kỳ (phân tích nước tiểu), đôi khi là một phần của kiểm tra sức khỏe toàn diện, có thể tìm thấy một lượng nhỏ máu trong nước tiểu của một số người bị ung thư thận giai đoạn đầu. Nhưng nhiều bệnh khác ngoài ung thư thận cũng có thể gây ra máu trong nước tiểu, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang, ung thư bàng quang và các tình trạng thận lành tính (không phải ung thư) như sỏi thận.
Đôi khi những người bị ung thư thận không có máu trong nước tiểu của họ cho đến khi khối ung thư khá lớn và có thể đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) thường có thể tìm thấy khối u ung thư thận nhỏ, nhưng những xét nghiệm này rất tốn kém. Siêu âm ít tốn kém hơn và cũng có thể phát hiện sớm một số bệnh ung thư thận. Một vấn đề với các xét nghiệm này là không phải lúc nào chúng cũng có thể phân biệt được khối u lành tính với ung thư biểu mô tế bào thận nhỏ.
Thông thường, ung thư thận được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra hình ảnh cho một số bệnh hoặc triệu chứng khác. Tỷ lệ sống sót đối với những bệnh nhân ung thư thận này rất cao vì chúng thường được phát hiện ở giai đoạn rất sớm.
Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư thận
Nếu vị giác của bạn đã thay đổi hoặc bạn không cảm thấy muốn ăn nhiều, chuyên gia dinh dưỡng có thể đề xuất các cách để có được dinh dưỡng cần thiết.
Nói chung, bạn không cần phải ăn bất cứ thứ gì đặc biệt. Chỉ cần chọn nhiều trái cây tươi và rau quả, cùng với ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc như thịt gà và cá. Ăn nhiều loại thực phẩm để đảm bảo bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Tuy nhiên, sau một số liệu trình điều trị, bạn sẽ bị hạn chế hơn về thực đơn. Trong những trường hợp này, tốt nhất nên làm việc với chuyên gia dinh dưỡng để nhận được tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng bản thân.