Có người yêu, chàng trai 21 tuổi mới biết chỗ ấy "một mất, một còn"
(Dân trí) - Sinh ra vốn đã không có tinh hoàn bên trái nhưng phải đến năm 21 tuổi, nam thanh niên mới đến bệnh viện để thăm khám vì người yêu vô tình phát hiện ra bất thường này.
Anh A., 21 tuổi, có địa chỉ tại Khoái Châu, Hưng Yên đến khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì không có 1 bên tinh hoàn trái.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, thực tế gia đình đã biết tình trạng này của A. từ nhỏ. Tuy nhiên, bố mẹ anh nghĩ rằng, đây là bệnh lý bẩm sinh và không nghiêm trọng nên đã không nói cho anh cũng như không đưa anh đi khám.
Phải đến khi anh A. có người yêu, bạn gái anh đã vô tình phát hiện ra và động viên A. đến bệnh viện để kiểm tra.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện A. mắc bệnh lý tinh hoàn ẩn. Cụ thể, tinh hoàn trái của anh nằm trong ổ bụng. A. được chỉ định can thiệp mổ hạ tinh hoàn xuống bìu để tránh biến chứng sau này.
Sau 40 phút tiến hành mổ nội soi, tinh hoàn trái của bệnh nhân đã nằm gọn ở bìu. Hiện, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện ngay sau mổ 1 ngày.
Từ trường hợp của bệnh nhân A., ThS.BS Trần Văn Kiên - Khoa Nam học và Y học giới tính cho hay, tinh hoàn ẩn là một bất thường bẩm sinh rất phổ biến ở các bé trai. Cụ thể, các nghiên cứu trên thế giới thống kê được rằng, có khoảng 3-5% trẻ trai rơi vào trường hợp này.
Tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe như: teo nhỏ tinh hoàn, ảnh hưởng khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh; tăng nguy cơ chấn thương, xoắn hay hoại tử tinh hoàn. Thậm chí, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn lên gấp 10 lần.
Do đó, các chuyên gia nam khoa khuyến cáo, gia đình nên thường xuyên kiểm tra bộ phận sinh dục của trẻ. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.
Trẻ bị ẩn tinh hoàn nên can thiệp phẫu thuật sớm ở độ tuổi từ 6-18 tháng tuổi, để tránh những biến chứng sau này.