Có nên ngậm viên chứa chất diệt khuẩn khi ho, ngứa họng?
Thời tiết thay đổi ấm – lạnh thất thường khiến nhiều người mắc các triệu chứng ho, ngứa rát họng. Không ít người đã lựa chọn sử dụng viên ngậm – một loại thuốc có tác dụng tại chỗ - để chữa trị.
Chia sẻ trong một chương trình truyền hình, BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương nhấn mạnh, sử dụng viên ngậm cần đảm bảo dùng đúng chỉ định.
Về mặt điều trị, viên ngậm thường chia làm 2 loại chính: Loại dùng trong điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn và loại dùng điều trị các triệu chứng ho, ngứa rát họng thông thường.
Theo BS Tuyết Mai, phần lớn loại viên ngậm điều trị do nhiễm khuẩn có chứa thành phần là các hoạt chất tân dược.
Trong đó, các hoạt chất kháng khuẩn như thuốc kháng sinh (bacitracin), hoặc hóa chất có tính năng sát khuẩn mạnh (diclorobenzyl alcohol, amylmetacresol - hai hoạt chất còn được dùng làm chất sát trùng bệnh viện, dụng cụ y tế).
Viên ngậm điều trị viêm họng cũng có thể kết hợp thêm một số hoạt chất có tác dụng tại chỗ khác như hoạt chất chống viêm, gây tê, giảm đau…
BS Tuyết Mai khẳng định, viên ngậm loại này được chỉ định trong điều trị giai đoạn cấp tính của viêm họng do nhiễm khuẩn, với những triệu chứng như sưng, nóng, đỏ đau, khạc đờm vàng, xanh...
Trong trường hợp chỉ bị ho, ngứa, rát họng do thay đổi thời tiết, do lạnh, gió, hút thuốc, có đờm trong…, nếu sử dụng kéo dài hoặc lạm dụng loại viên ngậm này, có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
“Nó có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn tự nhiên tại vùng họng, tạo cơ hội cho vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh dễ dàng tấn công. Các hoạt chất tác dụng tại chỗ nếu sử dụng kéo dài, có thể gây tổn thương niêm mạc họng, nặng thêm tình trạng đau rát, làm suy yếu hoặc khiến niêm mạc họng trở nên nhạy cảm hơn, từ đó, dễ bị kích thích gây ho, ngứa rát họng…tái đi tái lại, nhất là khi thời tiết thay đổi. Tình trạng lạm dụng viên ngậm chứa chất sát khuẩn mạnh cũng có thể gây nhờn thuốc, làm mất hiệu quả điều trị của thuốc …” – bác sĩ Mai cho hay.
Còn theo kinh nghiệm điều trị của TS.BS Dương Trọng Nghĩa (Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương), khi bị ho, ngứa rát họng thông thường, nên lựa chọn viên ngậm có nguồn gốc thảo dược, vừa cho kết quả tốt, lại an toàn hơn.
Đặc biệt trong điều kiện thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay, tình trạng ho, ngứa rát họng dễ tái diễn, lựa chọn và sử dụng sớm viên ngậm thành phần thảo dược có ý nghĩa điều trị rất quan trọng.
Một số dược liệu có tác dụng dịu ho, hóa đờm tại chỗ thường được phối hợp trong thành phần viên ngậm như cam thảo, bối mẫu, cát cánh, hạnh nhân, trần bì, bạc hà… Ngoài ra, mật ong cũng là vị thuốc được sử dụng phổ biến, do phát huy được nhiều tác dụng tại chỗ có lợi, như tác dụng kháng khuẩn, giảm ho… Mật ong thậm chí còn được ví như một loại kháng sinh tự nhiên, ức chế được nhiều loại vi khuẩn, nấm gây bệnh, lại lành tính, dùng được cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Hai hoạt chất là albumin và acid panthotenic trong mật ong, có tác dụng tái tạo niêm mạc mới, làm lành tổn thương niêm mạc và các vết loét. Ngoài ra, chính vị ngọt và thể chất sánh của mật ong khi ngậm, có tác dụng bao phủ, bảo vệ niêm mạc, ngăn ngừa kích thích nên giúp làm dịu họng, giảm ho.
Mật ong và một số vị thuốc đông y khác như tỳ bà diệp, sa sâm, phục linh, ngũ vị tử… còn có tác dụng nhuận phế, được gia thêm vào một số viên ngậm theo quan điểm vừa bổ vừa tả của Đông y.
TS Nghĩa cũng lưu ý, dạng bào chế đóng vai trò quan trọng tới hiệu quả điều trị. Trong đó, viên ngậm dưới dạng kẹo cứng sẽ phát huy công dụng tốt nhất, do ít sử dụng tá dược nên chứa được nhiều cao dược liệu. Viên dễ tan, không để lại cặn, tạo sự dễ chịu khi ngậm.
Theo Thụy Anh
Báo Gia đình & Xã hội