Có nên bỏ chuối ra khỏi thực đơn của người mắc bệnh gan?
(Dân trí) - Chuối có bảng thành phần dinh dưỡng hấp dẫn nhưng lại chứa lượng lớn carbs, do vậy có nên cân nhắc sử dụng loại trái cây này cho người có bệnh về gan.
Chế độ ăn bổ sung nhiều trái cây và rau củ được xem là phương pháp dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt chế độ ăn uống cân bằng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị các bệnh về gan. Điều đó có đồng nghĩa tất cả các loại trái cây đều được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng?
Chuối đã được chứng minh là loại quả cực kỳ tốt cho sức khỏe nhờ vào các thành phần dinh dưỡng dồi dào và phong phú. Tuy nhiên chuối có hàm lượng đường và tinh bột tương đối cao, là những thành phần đáng lo ngại cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Đa phần các loại trái cây đều chứa đường nhưng chuối, đặc biệt là chuối chín chứa nhiều đường hơn hầu hết các loại khác và hơn 90% calo trong chuối đến từ carbohydrate, khi chuối chín, lượng carbohydrate này sẽ chuyển hóa thành đường.
Tuy vậy, chuối không chỉ có đường mà loại quả này còn có rất nhiều giá trị dinh dưỡng khác, trong đó phải kể đến:
Kali: Chuối chứa nhiều kali là một chất khoáng cực kỳ quan trọng với cơ thể. Một quả chuối trung bình chứa khoảng 320-400mg kali, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu kali hàng ngày của cơ thể. Nguyên tố này đóng vai trò hỗ trợ hệ tim mạch, đồng thời giúp duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể và điều chỉnh sự vận chuyển các chất dinh dưỡng cũng như chất thải trong và ngoài tế bào. Ở người bị xơ gan và xơ hóa gan, việc giãn mạch và điều tiết dịch lỏng có thể làm giảm tắc nghẽn và hỗ trợ sức khỏe. Chức năng gan sẽ bị rối loạn nếu cơ thể thiếu kali nghiêm trọng. Hơn nữa chuối có hàm lượng natri thấp, sự kết hợp natri thấp và kali cao giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Kháng tinh bột: chuối xanh chứa nhiều kháng tinh bột là một loại carbohydrate có chức năng tương tự chất xơ hòa tan, có thể lên men và nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tăng sản xuất các axit béo chuỗi ngắn tốt cho hệ tiêu hóa. Kháng tinh bột giúp điều hòa lượng đường trong máu sau bữa ăn và làm giảm cảm giác thèm ăn bằng cách làm chậm quá trình rỗng trong dạ dày. Đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ thì việc điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn có tác dụng hữu ích để ngăn cản sự tích tụ mỡ gan và duy trì cân nặng hợp lý.
Chất xơ: Một quả chuối trung bình có khoảng 3,1 gam chất xơ. Chế độ ăn uống giàu chất xơ là chế độ ăn được khuyên dùng cho tất cả bệnh nhân bệnh gan. Hơn nữa, chất xơ làm giảm mức cholesterol giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường túyp 2.
Vitamin B6: chuối là một trong những loại trái cây cung cấp vitamin B6 tốt nhất. Vitamin B6 giúp sản xuất các tế bào hồng cầu, chuyển hóa carbohydrate và chất béo, biến chúng thành năng lượng, giúp chuyển hóa axit amin, loại bỏ các chất thải khỏi gan và thận, đồng thời hỗ trợ duy trì hệ thống thần kinh khỏe mạnh.
Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều vitamin C bảo vệ tế bào và mô khỏi bị tổn thương, mangan trong chuối giúp cơ thể sản sinh collagen bảo vệ làn da cũng như giúp tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do.
Do vậy, đánh giá thực tế, chuối không hẳn tốt cho bệnh nhân mắc bệnh về gan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ nếu ăn nhiều. Tuy nhiên loại bỏ hoàn toàn chuối ra khỏi thực đơn hàng ngày là một lựa chọn không đúng đắn. Thực sự sẽ tốt hơn khi ăn một quả chuối thay vì các thực phẩm chứa đường khác. Hơn nữa với những lợi ích sức khỏe to lớn và có thể hỗ trợ gan về nhiều mặt, bệnh nhân mắc bệnh gan có thể lựa chọn sử dụng chuối theo một chế độ khoa học với số lượng và khẩu phần phù hợp với tình trạng cơ thể.