Có một trong các yếu tố này, bạn cần đề phòng ung thư dạ dày

Hà An

(Dân trí) - Bệnh ung thư dạ dày có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng nguy cơ cao hơn ở những người có thói quen ăn thực phẩm nhiều muối, thực phẩm hun khói, nhiễm khuẩn HP…

Chế độ ăn uống

Nhiều tác giả đề cập đến nguyên nhân ăn uống liên quan đến ung thư dạ dày. Các chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại các khu vực dân cư có thói quen ăn thực phẩm ninh nhừ (súp), thực phẩm muối hay hun khói (cá muối, thịt hun khói) có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn các khu vực khác.

Các tác giả nêu vai trò gây ung thư dạ dày của các nitrosamid được tạo nên từ các nitrat. Người ta cho rằng chất nitrosamid được tạo thành sẽ alkyl hóa acid nhân của ADN, ARN tạo ra đột biến gen gây ung thư dạ dày.

Có một trong các yếu tố này, bạn cần đề phòng ung thư dạ dày - 1

Vai trò của Helicobacter Pylori (HP) 

Theo dõi những người mắc ung thư dạ dày và người bình thường thì thấy rằng tỷ lệ nhiễm HP ở bệnh nhân ung thư dạ dày là 84% còn ở nhóm chứng là 64%. Tại Việt Nam, một nghiên cứu trên 104 bệnh nhân ung thư dạ dày cho thấy có đến 77,1% bệnh nhân nhiễm HP theo chẩn đoán mô bệnh học.

Một số yếu tố khác

- Tính chất gia đình: Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ung thư dạ dày có tính chất gia đình chiếm khoảng 1-15% các trường hợp ung thư. Một nghiên cứu năm 2001 chỉ ra rằng những gia đình có từ hai thành viên trở lên mắc ung thư dạ dày thì có nguy cơ mắc bệnh rất cao cho cả hai giới và nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày cũng cao hơn so với các bệnh nhân ung thư dạ dày không có tiền sử gia đình.

- Bệnh thiếu máu ác tính, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không polyp, dị sản ruột.. là những yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.

- Các yếu tố khác như điều kiện kinh tế khó khăn, tiếp xúc với phóng xạ, công nhân mỏ than, công nhân cao su... là những điều kiện thuận lợi cho ung thư dạ dày phát triển.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày là có một chế độ ăn hợp lý, nhiều rau xanh và hoa quả tươi, hạn chế thực phẩm muối hay hun khói, điều trị triệt để các bệnh lý dạ dày khác. Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, có tính chất gia đình nên thường xuyên nội soi dạ dày 6 tháng một lần để kiểm tra, kịp thời phát hiện sớm tổn thương...