Cơ hội lành lặn cho trẻ bị liệt thần kính đám rối cánh tay

(Dân trí) - Từ năm 2010 đến nay, với sự giúp đỡ của Giáo sư Professor Alain Gilbert (người Pháp) một bước tiến mới trong việc can thiệp cho những trẻ bị liệt thần kinh đám rối cánh tay đã mở ra. Gần 6 năm qua, hơn 100 trường hợp được phẫu thuật tại bệnh viện với tỷ lệ phục hồi đạt từ 70% đến 80%, giúp trẻ sau mổ có cuộc sống gần như bình thường.

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ em là dạng phức tạp do sang chấn sản khoa, thương tích và một số nguyên nhân khác với tỷ lệ mắc phải khoảng 1/1000 trẻ. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới mỗi năm số trẻ mắc phải tổn thương này đều ở mức cao. Ước tính cứ 4 trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thì chỉ có 3 trẻ tự phục hồi, 1 trẻ còn lại cần được phẫu thuật để tránh nguy cơ bị liệt suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Thời gian tốt nhất để thực hiện phẫu thuật cho trẻ là độ tuổi từ 3 tháng đến 9 tháng sau khi chào đời.

Ở các nước phát triển, phẫu thuật can thiệp cho những trường hợp bị tổn thương đám rối thần kinh đã phát triển nhiều thập kỷ qua và mang lại thành quả lớn trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi. Tuy nhiên, những trẻ em Việt Nam không may mắc phải tổn thương trên, thời gian qua chủ yếu chỉ được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Rất nhiều trường hợp nặng đã phải sống chung với cánh tay bị liệt suốt đời vì không được phẫu thuật. Khoảng 6 năm trở lại đây, phương pháp phẫu thuật cho những trẻ bị liệt thần kinh đám rối ở nước ta mới bắt đầu được triển khai dưới sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ chuyên gia nước ngoài.

GS Alain Gilbert thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Đồng 1
GS Alain Gilbert thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Đồng 1

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, cho hay: “Từ năm 2010 đến nay, với sự giúp đỡ của Giáo sư Professor Alain Gilbert (người Pháp) một bước tiến mới trong việc can thiệp cho những trẻ bị liệt thần kinh đám rối cánh tay đã mở ra. Gần 6 năm qua, hơn 100 trường hợp được phẫu thuật tại bệnh viện với tỷ lệ phục hồi đạt từ 70% đến 80%, giúp trẻ sau mổ có cuộc sống gần như bình thường. Trong số ca bệnh đã can thiệp, khoảng 70 cuộc phẫu thuật các bác sĩ Nhi Đồng 1 được GS. Alain Gilbert “cầm tay chỉ việc”, 30 trường hợp còn lại do bác sĩ của bệnh viện tự thực hiện.

Ngày 23 và 24/5, trong chuyến công tác tại Việt Nam, GS. Alain Gilbert đã hội chẩn gần 40 ca bệnh. Ông quyết định hướng dẫn thêm cho bác sĩ Việt Nam trong 7 ca mổ giải quyết liệt đám rối thần kinh cho trẻ tại Nhi Đồng 1. Giáo sư cho biết: “Ngoại các phương tiên phục vụ vi phẫu bất kỳ bệnh viện chuyên khoa nào cũng có thì những kiến thức chuyên môn trong phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay tại bệnh viện Nhi Đồng 1 đã khá vững vàng.”

“Sau hơn 5 năm tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao, về cơ bản các bác sĩ Việt Nam đã nắm khá vững kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệp thực hiện được cuộc mổ. Tôi đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng trong nhiệm vụ của mình để hỗ trợ các bác sĩ Việt Nam chủ động nắm bắt và giải quyết mọi tình huống gặp phải khi can thiệp cho bệnh nhi.” GS. Alain Gilbert chia sẻ.


Phương pháp phẫu thuật đã giúp nhiều trẻ thoát khỏi nguy cơ bị liệt suốt đời

Phương pháp phẫu thuật đã giúp nhiều trẻ thoát khỏi nguy cơ bị liệt suốt đời

Tuy nhiên, GS. Professor Alain Gilbert cũng bày tỏ sự trăn trở của mình: “Khó khăn lớn nhất mà các bác sĩ Việt Nam đang phải đối mặt khi thực hiện kỹ thuật trên chính là nguồn keo sinh học. Nó được xem là giải pháp hỗ trợ không thể thể thiếu đối với những phẫu thuật viên vi phẫu bởi keo sinh học giúp giảm thời gian phẫu thuật từ 6 giờ đến 8 giờ xuống chỉ còn 1 giờ đến 2 giờ. Song tại Việt Nam, sản phẩm này rất hiếm và gần như không có. Điều này khiến các bác sĩ phải sử dụng đến loại chỉ siêu nhỏ để phục vụ cho cuộc mổ. Đây là giải pháp bất đắc dĩ, nó không chỉ gây thêm khó khăn mà còn kéo dài thời gian thực hiện phẫu thuật, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong quá trình phẫu thuật cũng như hồi sức hậu phẫu.”

Vị Giáo sư người Pháp cũng “bật mí” để có keo sinh học phục vụ các ca phẫu thuật cho trẻ, gần 6 năm qua mỗi khi sang Việt Nam ông đều phải “xách tay” thêm sản phẩm này. Liên quan đến sự khan hiếm sản phẩm keo sinh học, BS Đào Trung Hiếu cho hay, mặt hàng này cũng đã có tại Việt Nam nhưng số lượng được nhập về rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện. Chúng tôi hi vọng thời gian tới, những sản phẩm hữu dụng này sẽ xuất hiện ngày càng đa dạng để tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên, rút ngắn thời gian phẫu thuật, hậu phẫu, tăng hiệu quả của ca mổ.

Vân Sơn