Cô gái trẻ mắc ung thư hối hận do mắc ba thói quen xấu

Cô gái trẻ vô cùng sốc khi bác sĩ thông báo mắc ung thư giai đoạn 2. Cô hối hận vì bản thân đã quá phung phí sức khoẻ.

Annie Lee là một chuyên gia tài chính ngân hàng tại Hồng Kông, Trung Quốc. Cô đã chống chọi với căn bệnh ung thư vú suốt 5 năm qua.

Giữa năm 2015, khi mới 31 tuổi, Annie bất ngờ sờ thấy một cục u cứng một bên vú trong khi tắm. Cô lập tức đến bệnh viện kiểm tra, kết quả siêu âm, X-quang vú và sinh thiết khối u kết luận cô mắc ung thư vú giai đoạn 2.

“Khi nghe bác sĩ nói, tôi cảm giác toàn thân lạnh toát, thực sự rất sốc. Lúc đó tôi chỉ biết gọi cho chồng đến bệnh viện càng nhanh càng tốt”, Annie nhớ lại.

Cô gái trẻ mắc ung thư hối hận do mắc ba thói quen xấu - 1

Annie đã chiến đấu với ung thư vú suốt 5 năm qua

Annie cho biết, trong gia đình chưa từng có ai mắc ung thư vú. Dù không phải là người có lối sống quá lành mạnh nhưng cô luôn nghĩ mình còn trẻ nên không thể mắc ung thư.

Tuy nhiên khi khai thác kĩ thói quen hàng ngày, bác sĩ nhận thấy cô gái 31 tuổi đã quá phung phí sức khoẻ, mắc 3 thói quen xấu gồm: Nghiện công việc quá mức, hàng ngày làm việc hùng hục từ 8h sáng và thường xuyên rời văn phòng lúc 23h đêm.

Anni cũng không có thời gian tập thể dục trong khi thường xuyên ăn socola, thức ăn nhanh như bánh mỳ kẹp thịt, khoai tây chiên.

Bác sĩ sĩ nói với Annie rằng, lối sống không không lành mạnh và stress chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú.

Trong vòng 9 tháng, Annie trải qua điều trị hoá chất, phẫu thuật và xạ trị. May mắn, cô đã hồi phục và sống tốt suốt 5 năm qua.

Bác sĩ Yvonne Tsang Yee Yan cho biết, trường hợp như của Annie rất phổ biến. Trong tất cả các trường hợp mắc ung thư vú, chỉ có 10-15% có yếu tố di truyền, số còn lại đều liên quan đến các yếu tố nguy cơ như lười vận động, stress, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn uống mất cân bằng… Đáng lưu ý, tỉ lệ này ngày càng tăng.

Cô gái trẻ mắc ung thư hối hận do mắc ba thói quen xấu - 2

Kể từ khi biết mình mắc ung thư, Annie xây dựng lối sống lành mạnh hơn 

Kể từ sau khi biết mình mắc ung thư vú, Annie đã thay đổi hẳn lối sống. Cô tham gia các lớp học đi bộ đường dài, tập pilates, chơi golf, khiêu vũ. Mỗi tuần, cô đến phòng tập gym 3 lần để giải toả stress. Từ năm ngoái, cô cũng học thêm boxing và bắt đầu tập thêm yoga. Cô cũng thường xuyên chạy bộ cùng chồng quanh khu phố.

Annie cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan, lãnh đạo đồng ý cho cô nghỉ phép trong suốt quá trình điều trị. Khi quay lại công việc, cô cũng được rút ngắn thời gian làm việc trong tuần và số giờ làm việc mỗi ngày.

“Khi bạn còn trẻ, bạn luôn nghĩ không bị ung thư nhưng hãy nhìn bài học từ tôi, dù trẻ như nào bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này”, Annie đúc rút.

Cô cũng khuyên những người trẻ hãy biết ưu tiên sức khoẻ và cân bằng với công việc. “Đừng đánh đổi sức khoẻ của mình lấy của cải, danh vọng. Đó là một lựa chọn sai lầm”.

Ung thư vú có tiên lượng điều trị khá tốt so với các loại ung thư khác. Tại Hồng Kông, thống kê cho thấy có tới 97,5% bệnh nhân ung thư vú sống tốt sau 5 năm nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1.

Bác sĩ Yvonne Tsang Yee Yan khuyên phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên tự khám vú sau khi hết kinh nguyệt 7 ngày. Lúc này mô vú mềm nhất, dễ phát hiện các u cục bất thường.

5 triệu chứng của ung thư vú bao gồm: Xuất hiện u cục hoặc vú dày lên bất thường; vú đột nhiên lõm, nhăn nheo, nổi ban; cảm giác khó chịu, đau dai dẳng ở vú hoặc nách; thay đổi hình dạng hoặc kích thước vú; Núm vú tiết dịch, đổi màu hoặc thay đổi hình dạng.