Cô gái trẻ bị mụn trứng cá mủ dai dẳng vì nguyên nhân không ngờ
(Dân trí) - Sau khi nâng mũi được 1 năm, cô gái 21 tuổi (Hà Nội) phải điều trị mụn trứng cá mủ ròng rã 3 tháng mà không đỡ. Bác sĩ buộc phải tháo chất liệu sụn nhân tạo để tránh vi khuẩn khu trú tại vùng mũi.
Bệnh nhân là P.T.T, một nhân viên văn phòng, có cơ địa mụn trứng cá bọc ở vùng mặt. Trước đó, vì có nhu cầu làm đẹp, cô đã đến một cơ sở và được nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon.
Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau khi nâng mũi, cô gái bị mụn trứng cá mủ ở vùng sống mũi. Dù đã đi trích rạch mủ, uống kháng sinh, nhưng mụn cứ hết lại lên, chảy dịch nhiều lần tại chỗ, tái phát khoảng 1 tháng/lần. Khối sưng đỏ kích thước khoảng 0,5 cm tại vùng gốc mũi, ngoài ra không có biểu hiện gì khác thường (không sốt, không đau). Bệnh nhân đã đi khám và điều trị mụn trứng cá tại phòng khám tư nhân ròng rã 3 tháng mà không đỡ.
Bệnh nhân đến khám tại khoa Phẫu thuật tạo hình -Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E, bác sĩ phát hiện tại vùng mũi đã thấy lộ sụn, nên buộc phải tháo chất liệu sụn nhân tạo để tránh vi khuẩn khu trú tại chỗ, lấy bỏ tổ chức viêm, bơm rửa sạch bằng dung dịch khử khuẩn. Vết thương được để thoáng để tiếp tục thoát dịch, sau đó được khâu lại sau 3 ngày.
Ths.Bs Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân bị nhiễm trùng khoang đặt mũi do hậu quả của mụn trứng cá mủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị mụn trứng cá mủ tái đi tái lại. Bình thường nếu nhiễm trùng không thoát được mủ sẽ có hiện tượng sưng đỏ ở gốc mũi hoặc đầu mũi, nặng hơn thì sẽ chảy dịch qua vết mổ. Trường hợp này do có lỗ thoát dịch nên sau khi nặn dịch mủ, dùng kháng sinh sẽ đỡ tạm thời.
Theo bác sĩ Minh, nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng mũi là do vi khuẩn đưa từ ngoài vào lúc phẫu thuật. Có thể là do dụng cụ phẫu thuật, môi trường phẫu thuật không đảm bảo, vùng phẫu thuật đang bị nhiễm trùng như viêm xoang cấp, mụn mủ vùng lân cận, chất liệu mũi chưa được tiệt khuẩn đúng cách (chất liệu cần được khử khuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và có thời hạn sử dụng nhất định ghi trên bao bì).
“Nguyên nhân thứ 2 là do các ổ nhiễm khuẩn lân cận đưa vi khuẩn vào khoang đặt mũi. Như trường hợp bệnh nhân trên là một ví dụ, từ mụn trứng cá biến chứng viêm mủ sâu dẫn đến nhiễm trùng mũi”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ, nhiễm trùng mũi có thể chia ra thành nhiễm trùng cấp tính, bán cấp và mạn tính.
Trong đó, nhiễm trùng cấp tính có thể xảy ra ngay trong vòng 2 tuần đầu sau phẫu thuật, với các biểu hiện sưng đỏ và chảy dịch đục qua vết mổ. Các trường hợp này bác sĩ có thể lấy sụn ngay lập tức, bơm rửa sạch. Tùy trường hợp có thể đặt sụn mới ngay lập tức hoặc chờ ít nhất sau 1-3 tháng để có thể phẫu thuật lại.
Với trường hợp nhiễm trùng bán cấp, bệnh nhân có hiện tượng sưng nề mũi, đỏ đầu mũi, trụ mũi hoặc gốc mũi, có thể có chảy dịch tái phát trong vòng 3 tháng đầu sau phẫu thuật. Một số bệnh nhân có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh, giảm viêm, nhưng đa phần nên tháo bỏ sụn mũi sớm tránh nguy cơ co rút, có thể nâng mũi lại sau 1 năm.
Ngoài ra, nhiễm trùng mạn tính xảy ra khi nhiễm trùng vùng mũi, sưng đỏ tái phát nhiều đượt trong vòng 1 năm sau phẫu thuật. Biện pháp điều trị là tháo chất liệu, có thể thuật lại sau 1 năm.
Phẫu thuật nâng mũi là phẫu thuật không khó, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng đặc biệt là nhiễm trùng. Quy trình vô trùng càng không đảm bảo, tỷ lệ nhiễm trùng càng tăng cao. Bệnh nhân cũng có nguy cơ chảy máu, bầm tím nếu phẫu thuật viên vô tình phạm phải các mạch máu lớn vùng lân cận mũi. Một số có thể bị lộ chất liệu do khoang đặt quá nông sát da, bác sĩ Minh cho biết.
Vì thế, để tránh những biến chứng khi làm đẹp, bác sĩ khuyên chị em nên chọn các cơ sở có uy tín, phòng trường hợp xảy ra sự cố có thể được xử lý kịp thời. Các chất liệu sụn khi đặt vào cơ thể cũng cần được nhập khẩu chính hãng và có chứng nhận chất lượng của Bộ Y tế.
Nam Phương