Cô gái trẻ 18 tuổi sốc khi được chẩn đoán ung thư vú
(Dân trí) - Thời điểm được phát hiện ung thư vú, cô gái trẻ 18 tuổi đang học cấp 3 tại một trường ở Hà Nội. Khi đến viện, cô trong tâm trạng mông lung vì bỗng sờ thấy trong bầu ngực có cục như khối u.
BS Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện K) chia sẻ, bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi nhất mà chị gặp, đó là cô gái 18 tuổi ở Hà Nội, đến viện cách đây 2 năm trước.
Tại thời điểm đến viện khám, để bác sĩ khám, siêu âm ngực cô gái còn ngại vì “ngực non mới nhú”. Nhưng sau khi được động viên, cô đã yên tâm khám và đúng như khối mà cô sờ thấy, cô được chẩn đoán ung thư.
“Rất may mắn, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) nên điều trị thành công và ổn định. Cô gái giờ đây tái khám 6 tháng một lần, tình trạng tốt”, BS Nga cho biết.
Tại Khoa Nội 5 (Bệnh viện K), số bệnh nhân đến khám vì ung thư vú khi còn trẻ tuổi cũng không phải là hiếm hoi. Khi nhắc đến bệnh nhân trẻ bị ung thư vú, thậm chí điều dưỡng tại đây vẫn còn nhớ tên tuổi bệnh nhân dù họ chưa tới lịch tái khám.
TS.BS Lê Thanh Đức (Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K) cho biết, ở tại khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỉ lệ ung thư vú trẻ khá cao hơn các nước Âu, Mỹ. Ngay ở Nhật Bản và một số nước châu Á, mắc ung thư vú người trẻ khá cao, bệnh nhân 26 – 27 tuổi đã bị ung thư Vú. Tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân 31 – 36 tuổi gặp cũng khá nhiều, đặc biệt có những ca bệnh nhân còn ở ngưỡng tuổi rất sớm, khi đang đi học, là sinh viên.
Trong đó, TS Đức vẫn nhớ như in trường hợp bệnh nhân 25 tuổi mà anh điều trị. Cô gái đến viện giai đoạn 3, sau một thời gian điều trị ổn thì lại phát triển tiếp, diễn biến xấu, việc điều trị không được như mong đợi.
Cô gái A.T (23 tuổi, Nam Định) cũng là ca bệnh khiến các bác sĩ day dứt. Cô được phát hiện bệnh năm 22 tuổi, điều trị đến tháng 8/2017 và đến nay đã di căn gan, di căn não. “Lúc đầu bệnh nhân sờ thấy khối u vú phải, nhưng khi đến viện khám đã là giai đoạn 4. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì phát hiện giai đoạn muộn”, TS Đức trầm tư khi chia sẻ về ca bệnh.
Nhưng cũng có bệnh nhân sinh năm 1979, phát hiện bệnh năm 33 tuổi ở giai đoạn 1 – 2, điều trị ổn định, đến nay 7 năm trôi qua bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, đi làm, sinh hoạt như bình thường.
Rồi trường hợp bệnh nhân H.A.V đang là sinh viên đại học ở Hà Nội, mới điều trị 6 tháng dù khối u khá lớn (giai đoạn 2B) nhưng điều trị đến nay bệnh đang trong vòng kiểm soát.
Có những trường hợp bệnh nhân ổn định 5 – 10 năm, đã kết hôn, sinh con bình thường.
Hãy luôn cảnh giác!
Theo TS Đức, ung thư vú trong các loại là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì tự sờ thấy được, trong khi gan, thận, phổi… là những ung thư khó phát hiện hơn. Đặc biệt, các phương pháp điều trị ung thư vú ngày càng mang lại hiệu quả điều trị cao, nhất là khi bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Dựa trên các nghiên cứu và thực tế cho thấy, ung thư vú phát hiện ở giai đoạn 1 - 2, thời gian sống thêm 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm sau vẫn khỏe mạnh. Rất nhiều bệnh nhân tại BV K phát hiện ung thư vú từ khi chưa kết hôn, sau điều trị đã lấy chồng, sinh con.
"Với ung thư, sau 5 năm không tái phát được coi là khỏi. Và lúc này, nguy cơ bị ung thư trở lại của người từng bị ung thư vú cũng ngang bằng với người bình thường/, Tỉ lệ bệnh nhân ung thư vú được chữa khỏi ngày càng tăng lên, do nhận thức của người dân được tăng lên, đi viện khám sớm. Trong vòng 10 năm trở lại, tỉ lệ người dân ung thư vú đến viện sớm rất nhiều, đến ở giai đoạn 1 – 2, u dưới 3cm, chưa có hạch nách. Tuy nhiên, tỉ lệ muộn cũng cao, cũng có một số không ít các trường trì hoãn khám, hoặc giấu gia đình, đến khi đau không thể chịu nổi mới đến viện thì đã ở giai đoạn muộn", BS Nga nói.
"Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường cơ thể cần đi khám ngay. Đừng trì hoãn nay bận, mai bận để rồi không đến viện khám sớm", TS Đức khuyến cáo.
BS Nga cũng cảnh báo, ung thư vú không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn gặp ở người trẻ. Vì thế, không nên chủ quan mà hãy luôn chủ động kiểm tra định kỳ thường xuyên ngay từ khi còn trẻ. Quan trọng nhất tự sờ, tự khám vú, tự cảm nhận cơ thể mình.
"Chị em phụ nữ, từ tuổi trẻ đến trung niên hãy hình thành thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 5 - 7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra", BS Nga nói.
Hướng dẫn tự khám vú.
Với người có nguy cơ cao (bố mẹ ung thư vú, anh em bị ung thư vú, ung thư dại trực tràng, phổi, nên đến bệnh viện tầm soát định kỳ từ 40 tuổi. Còn với người dân, sau 50 tuổi, ngoài tự khám vú mỗi tháng nên đến viện tầm soát 1 năm một lần, nếu có nguy cơ thời gian tầm soát rút ngắn lại,"
Sau điều trị bệnh, cần duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường.Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người bồi bổ tăng cân, có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.
Duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường.
Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người bồi bổ tăng cân, có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.
Hồng Hải