Cô gái phẫu thuật sửa mũi 7 lần trong 6 tháng
(Dân trí) - Thấy mũi bị tẹt, Vy (23 tuổi) quyết định đi nâng mũi. Sau đó lúc do không hài lòng với dáng mũi, lúc bị biến chứng, nên chỉ trong 6 tháng cô đã đụng dao kéo vùng mũi đến 7 lần khiến mũi bị biến dạng.
Trong 7 lần sửa mũi, có lần cô gái thực hiện thủ thuật tại một spa, người làm thậm chí không có chuyên môn về y. Cô luôn nghĩ mình không đẹp nên muốn đi nâng mũi, nhưng càng sửa mũi càng hỏng càng biến dạng.
Tiến sĩ - Bác sĩ Lại Bình Nguyên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng mũi co cứng, niêm mạc mỏng gây chít hẹp khó thở, bên trong chứa nhiều xơ do phẫu thuật bóc tách nhiều lần.
Mũi bị biến dạng mất hết cả lỗ mũi, sẹo xơ dính phát triển rất nhiều. Bệnh nhân bị biến dạng mũi do việc bóc tác các tổ chức trong khoang mũi không đúng lớp, sử dụng vật liệu nâng không phù hợp dẫn đến biến chứng.
Ngoài ra, phẫu thuật viên tại spa không có chuyên môn khi xử lý cho bệnh nhân gây tổn thương sụn cánh mũi, làm cánh mũi co sập, sau đó đặt silicone vào mặc dù thủ thuật này thường chống chỉ định.
"Với trường hợp này, bệnh nhân cần một lộ trình tái tạo lại mũi, tuy nhiên phải chờ 4-6 tháng sau tổn thương liền sẹo mới có thể phẫu thuật. Trước hết cần làm sẹo mềm ra, sau đó phẫu thuật chuyển vạt tại chỗ làm lỗ mũi rộng ra, tạo hình lại lỗ mũi, sống mũi…", BS Nguyên nói.
Theo bác sĩ những trường hợp gặp biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ như trên không hiếm gặp. Hiện nay các trung tâm thẩm mỹ mọc lên như nấm kể cả chính thống, không chính thống, có rất nhiều cơ sở làm chui, vì thế nguy cơ xảy ra biến chứng luôn rình rập.
Bản thân ông cũng bày tỏ sự băn khoăn không hiểu tại sao phẫu thuật tạo hình đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn có bác sĩ đặt chất liệu mũi sai lớp. Điều này khiến mũi của bệnh nhân vừa không thẳng vừa không chắc chắn, có thể cầm mũi "lắc lắc".
Trường hợp của Ly, nữ tiếp viên hàng không, 26 tuổi, ở TPHCM là một ví dụ. Có ngoại hình khá xinh xắn, nhưng mũi hơi thấp nên 4 năm trước, cô quyết định đi nâng mũi. Sau một thời gian, cô thấy mũi có hiện tượng bị lệch, không chắc chắn nhưng do bận công việc, mũi cũng chưa bị lệch quá nên cô không đi sửa lại ngay.
Theo BS Nguyên, cô gái đến chỗ khám với sống mũi rất cao nhưng lệch hẳn sang bên phải, đầu mũi bị lộ, hai lỗ mũi không đều, không cân xứng.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tháo bỏ toàn bỏ sụn cũ, đặt lại trụ mũi, đầu mũi, khâu chỉnh hình lại đầu mũi, vách ngăn, phẫu thuật che phủ khoảng trống bằng vạt trung bì mỡ.
Mỡ trung bì là loại vật liệu tự thân, thường được lấy từ các vị trí có mô mỡ dày dưới da như vùng mông, bẹn, hoặc bụng dưới. Nó giúp mũi sau khi được nâng không bị sập xuống, giữ được phom mũi như mũi thật, nhìn dáng mũi tự nhiên.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân bị biến chứng thủng đầu mũi. Điều này là do lâu ngày chất liệu nâng mũi tì vào đầu mũi gây mỏng đầu mũi, lâu dần dẫn đến viêm, thủng đầu mũi. Vì da mũi mỏng, nên trong mùa đông một số có thể thấy đầu mũi rất nhanh bị đỏ.
Để khắc phục tình trạng này, ngày nay trong khi nâng mũi, bác sĩ thường đặt bọc đầu mũi bằng sụn tai.
BS cũng lưu ý đa phần mũi của người châu Á ngắn, nếu làm dài ra thì chất liệu phải dài ra, hậu quả có thể gây mũi lệch hoặc tì lâu ngày làm mòn, gây thủng đầu mũi.
Vì thế, khi có nhu cầu nâng mũi chị em cũng cần phải căn cứ vào cấu trúc mũi của bản thân để lựa chọn độ dài phù hợp, làm sao cho cân đối, hài hòa với khuôn mặt. Đồng thời lựa chọn bác sĩ có kinh nghiệm, cơ sở có uy tín để tránh các biến chứng không đáng có.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.