Cố chịu đau bụng, chàng trai trẻ vào viện thì đã dính ruột, thủng ruột non

Nam Phương

(Dân trí) - Vào viện vì thấy bị sốt, tiểu buốt, đau bụng nhiều, chàng trai ở Hà Nội không ngờ mình bị dính ruột, thủng ruột non, nhiễm trùng do xương gà.

Bệnh nhân không biết nuốt phải dị vật lúc nào cho đến khi xuất hiện tình trạng sốt, đau bụng nhiều vùng dưới rốn, tiểu buốt, dắt… Đến khám tại Bệnh viện E, các bác sĩ thấy bệnh nhân có khối cứng chắc dưới rốn, kích thước 12cm, ấn đau nhói. 

Bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh nhân bị hội chứng nhiễm trùng. Kết quả siêu âm và chụp CT cho thấy có ổ áp xe trong ổ bụng kích thước 3x5x9cm, bên trong có hình dị vật cản quang xuyên qua thành ổ dịch này và tiếp tục xuyên qua thành ruột non lân cận. Bệnh nhân bị áp xe trong ổ bụng nghi do dị vật đâm thủng ruột non, bị nhiễm trùng. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu.

Cố chịu đau bụng, chàng trai trẻ vào viện thì đã dính ruột, thủng ruột non - 1
Bệnh nhân không biết mình nuốt phải xương gà từ bao giờ.

TS.BS Hữu Hoài Anh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp tiến hành ca mổ này cho biết, ca mổ này tương đối khó khăn bởi ổ áp xe lan xuống tiểu khung dính vào bàng quang, thành bụng trước. Vỏ ổ áp xe lại chính là mạc nối lớn, quai ruột. Mạc nối lớn bọc ổ áp xe viêm dày, hồi tràng cách góc hồi manh tràng 20cm dính vào ổ áp xe, thành ruột viêm dày nghi do vị trí xương chọc thủng đã bị viêm dày bịt kín. 

Các bác sĩ đã phá bỏ ổ áp xe hút ra khoảng 100 ml mủ trắng đục, gỡ dính ruột, mạc nối lớn, cắt bỏ tổ chức viêm, cắt lọc và khâu lỗ thủng ruột non…

Dị vật được lấy ra khỏi ổ bụng của bệnh nhân dài 4-5cm, được xác định là mảnh xương gia cầm (có ống tủy) chuyển màu vàng đậm. Các bác sĩ dự đoán khả năng bệnh nhân nuốt dị vật trên trước đó khoảng 7-10 ngày. Bệnh nhân có xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ nhưng vẫn cố chịu đựng cho đến khi ổ áp xe quá lớn gây nên các triệu chứng bất thường kể trên mới đến viện E để khám.

Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Đạt, khoa Ngoại tổng hợp, hầu hết những bệnh nhân nuốt phải dị vật gây thủng ruột đều đến viện trong tình trạng muộn, khiến dị vật sau khi đâm thủng ruột tạo thành ổ áp xe lớn chứa nhiều mủ, thậm chí dị vật có nguy cơ làm thủng nhiều tạng khác trong ổ bụng. Điều này gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, chế biến thức ăn như sử dụng động vật, cần lọc xương kỹ trước khi chế biến, đặc biệt khi chế biến thức ăn cho người già, trẻ nhỏ. Khi ăn cần nhai chậm, nhai kỹ, không nuốt vội hoặc vừa ăn, vừa nói… 

Nếu không may nuốt phải xương thì tuyệt đối không cố nuốt trôi hoặc không tự ý móc bỏ xương mà cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và xử trí sớm, tránh trường hợp dị vật đi sâu xuống hệ tiêu hóa, gây đâm thủng thành ống tiêu hóa. Dị vật trong ống tiêu hóa chưa gây thủng, ở vị trí thuận lợi như hầu họng, thực quản, dạ dày thì có thể xử trí bằng phương pháp nội soi qua đường miệng gắp dị vật.

Trong trường hợp dị vật gây thủng hoặc ở vị trí khó lấy như ruột non thì cần chẩn đoán và mổ sớm để gắp dị vật và xử trí tổn thương.

Khi có những biểu hiện bất thường như sốt, đau bụng… cần đến ngay cơ sở y tế để khám và chẩn đoán sớm, giảm nguy cơ biến chứng và xâm lấn của dị vật trong ổ bụng bệnh nhân.