1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Trị:

Có bộ đội, sức khỏe của bà con luôn được chăm lo

(Dân trí) - Trong điều kiện đường sá đi lại cách trở, xa trung tâm y tế, nên bà con ít khi được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, thì sự có mặt của những chiến sĩ quân y mang “quân hàm xanh” đã giúp họ yên tâm hơn.

Vượt qua bao khó khăn, thử thách, bất kể ngày hay đêm, miễn là khi nào người dân cần thì những cán bộ, chiến sĩ quân y, thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị sẵn sàng đi đến từng nhà, từng bản để thăm khám cho bệnh nhân, khi bà con không có điều kiện đến trạm xá chữa trị.

Bộ đội gắn bó với nhân dân như máu thịt

Do tính chất công việc, chúng tôi có cơ hội đi đến rất nhiều bản làng xa xôi của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, và được tiếp xúc với nhiều người dân. Ở nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về sự gắn bó mật thiết của bà con trong bản với Bộ đội Biên phòng - những người đang ngày đêm canh giữ biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ thì việc chăm lo sức khỏe cho người dân là một trong rất nhiều hoạt động được ưu tiên nhất. Chính vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn xác định rằng, người dân khỏe cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bộ đội bảo vệ vững chắc đất trời biên cương, bảo vệ đường biên, cột mốc, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết với người dân nước bạn.

Vườn thuốc của Đồn Sen Bụt với những loại cây có thể chữa được các bệnh đơn giản
Vườn thuốc của Đồn Sen Bụt với những loại cây có thể chữa được các bệnh đơn giản

Đối với bà con tại các bản miền núi xa xôi, cuộc sống của họ lâu nay vốn quen với nương rẫy, “đầu tắt, mặt tối” quanh năm để lo cho cái ăn, cái mặc, ít khi chú ý đến sức khỏe của bản thân. Ấy vậy, sự có mặt của những cán bộ, chiến sĩ quân y “quân hàm xanh” đã làm giảm bớt những nỗi lo lắng.

Có nhiều lúc, những cơn sốt rét, cảm sốt “ập” đến đột ngột, hay những lần bị thương do té ngã, động vật rừng cắn,…nhưng lại xa trạm y tế thì họ chỉ biết tìm đến bộ đội nhờ cứu giúp. Với những bệnh đơn giản, các chiến sĩ quân y đã can thiệp kịp thời, bà con được chữa khỏi. Còn những bệnh phức tạp hơn thì được bộ đội sơ cứu rồi nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị.

Anh Hồ Văn Tân, người dân bản Hướng Choa, xã Hướng Phùng vẫn chưa thể quên trận ốm xảy ra cách đây ít năm. Trận đau ấy kéo dài hơn một tuần khiến anh phải nằm một chỗ, không ăn uống được gì. Gia đình anh cũng chủ quan nên không đưa anh đi khám mà lại mời thầy về cúng. Sau đó, khi lực lượng biên phòng Đồn Sen Bụt xuống bản tuyên truyền về công tác phối hợp bảo vệ đường biên và biết chuyện. Nhờ vào kinh nghiệm của mình, các chiến sĩ quân y đã “bắt” đúng bệnh rồi truyền thuốc nên anh dần dần khỏe lại và làm việc bình thường. Anh Tân nói: “Lúc bị bệnh, trong người em thấy mệt mỏi lắm, nhưng lại xa trung tâm y tế, lại không có tiền chữa trị nên nằm liều ở nhà. Nhờ các cán bộ biên phòng, em mới được chữa khỏi bệnh. Nếu để thêm một thời gian nữa chắc em sẽ không sống nổi”.

Vườn thuốc của Đồn Sen Bụt với những loại cây có thể chữa được các bệnh đơn giản
Sức khỏe của người dân các địa phương đều được các chiến sĩ quân y mang quân hàm xanh chăm sóc tận tình

Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp người ở xa trung tâm xã, ít khi đi khám bệnh. Đến khi gặp bệnh đột ngột, lại mê tín rồi tin vào thầy cúng nên bệnh tật nặng thêm. Những lúc ấy, nhờ các chiến sĩ biên phòng vận động đưa đi khám kịp thời mới chóng khỏi. Những trường hợp người già không thể đi được, thì những chiến sĩ quân y biên phòng đến tận từng nhà thăm khám rồi phát thuốc cho người dân.

Theo Thiếu tá Hồ Văn Vỹ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sen Bụt cho hay, trong những năm trở lại đây, nhận thức của bà con được nâng cao nên đã biết tìm đến trung tâm y tế để khám bệnh, không còn chuyện mê tín, dị đoan, tin vào thầy lang để cúng bái như trước. Để người dân thực sự thay đổi nếp sống, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương luôn tích cực vận động, tuyên truyền người dân sống có văn hóa, bài trừ các phong tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới.

Hiện trên địa bàn xã Hướng Phùng có 2 cơ sở y tế là Trạm Y tế xã Hướng Phùng và Trạm quân dân y kết hợp của Đoàn kinh tế Quốc phòng 337. Bên cạnh đó, còn có cán bộ quân y của biên phòng đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân các xã lân cận như Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt…Nhờ vậy, người dân khi gặp những bệnh đơn giản luôn được chữa trị kịp thời, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được thực hiện thường xuyên hơn.  

Nghĩa tình xuyên biên giới

Theo chân Đại úy Đỗ Quang Hương (chiến sĩ quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo) vượt sông Sê Pôn để đến khám, chữa bệnh cho bà con ở bản Ka Túp (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào), chúng tôi mới hiểu được phần nào công việc của lực lượng Biên phòng nơi đây.

Ngoài việc thường xuyên chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bà con trong vùng, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây còn làm nhiệm vụ Quốc tế là giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho bà con nước bạn Lào, ở khu vực giáp biên giới. Đối với cá nhân những cán bộ, chiến sĩ này, họ xem những công việc ấy là chuyện hết sức bình thường. Nhưng trong suy nghĩ của cộng đồng, công việc ấy tuy thầm lặng nhưng cao cả và đầy tính nhân văn biết bao.

Cụm bản Ka Túp và Mi Yên nằm bên sông Sê Pôn, có gần 700 hộ dân sinh sống. Vì cách khá xa trung tâm nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe mỗi khi xảy ra đau ốm. Cụm bản này cũng có trạm xá, nhưng chỉ kê được 5 giường bệnh. Thuốc thang và trang thiết bị ở đây cũng không đáp ứng được việc khám chữa bệnh cho bà con.

Qua một cuộc vận động, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, các nhà hảo tâm trên địa bàn đã quyên góp được số tiền hơn 500 triệu đồng để xây Trạm xá dành tặng bà con nơi đây. Sau 8 tháng xây dựng, trạm xá được Đồn biên phòng Lao Bảo bàn giao cho nước bạn Lào đưa vào sử dụng. Công trình có tổng diện tích 180m2  gồm 4 phòng khám; một nhà bếp; một nhà vệ sinh. Ngoài ra còn có các trang thiết bị y tế như bàn ghế làm việc, tủ đựng thuốc, giường bệnh, tủ cá nhân cho bệnh nhân.

Rất đông người dân tập trung tại trạm Y tế ở Ka Túp chờ được khám bệnh
Rất đông người dân tập trung tại trạm Y tế ở Ka Túp chờ được khám bệnh

“Có đi mới biết khó khăn, mới hiểu người dân nơi đây cần bộ đội tới mức nào” - nhóm phóng viên chúng tôi thường nói với nhau như vậy khi leo qua những con dốc dựng đứng, bụi phủ mịt mù, kèm theo tiết trời nóng bức của những ngày cuối tháng Hai, để đến với người dân bản Ka Túp (Lào). Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy hàng chục người gồm: già, trẻ, lớn bé đã ở đó đợi quân y biên phòng từ buổi sáng. Sau khi nhắc mọi người giữ gìn trật tự, Đại úy Hương bắt tay ngay vào việc khám bệnh cho từng người.

Anh Hương cho biết: “Đa số những người dân đến đây để được khám bệnh, đều mắc những bệnh đơn giản, nhưng vì không được chữa trị kịp thời nên bệnh có chiều hướng nặng thêm. Chính vì vậy, người dân họ đã kỳ vọng, đặt mọi niềm tin ở bộ đội thì mình nên gắng sức, quan trọng hơn là “bắt” trúng bệnh để có thể chữa lành cho họ. Gặp những bệnh nặng hơn, vượt quá khả năng thì giới thiệu đưa lên tuyến trên tiếp tục điều trị”. 

Để giải thích cho lời của mình, anh Hương dẫn ra trường hợp của ông Hồ Văn Xép (65 tuổi, trú tại bản Ka Túp) bị bệnh viêm phổi. Do không được chữa trị kịp thời nên ông bị liệt giường lâu ngày. Tuy nhiên, khi được cán bộ quân y biên phòng Việt Nam thăm khám và cho uống thuốc, bệnh ông Xép đã khá hơn nhiều.

Đại úy Hương cùng nữ y tá nước bạn thăm, khám cho bệnh nhân
Đại úy Hương cùng nữ y tá nước bạn thăm, khám cho bệnh nhân

Bà Vi Lai Chia (61 tuổi, trú tại bản Ka Túp) bị đau ở phần bụng, ăn vào bị nôn ra, không ngủ được. Đại úy Hương khám qua, nói rằng khả năng bà Chia bị bệnh đau dạ dày, và khuyên bà Chia nên sang bệnh viện Việt Nam cách đó khoảng 20km để thăm khám và chữa trị.

Nhờ sự tận tâm, chu đáo mà người dân bản Ka Túp (Lào) xem bộ đội biên phòng Việt Nam như là những “vị cứu tinh” giúp họ vượt qua được bệnh tật, để tiếp tục sống và làm việc. Qua đó cũng nói lên rằng, bằng tình cảm sâu sắc, tình gắn bó quân dân, thì chuyện biên giới cũng không còn là trở ngại. Như một số cán bộ biên phòng đã chia sẻ: “Hễ người dân cần, chúng tôi sẵn sàng đi đến mọi nơi”. Và chính chúng tôi thấy, nghĩa tình cao cả ấy đã vượt qua biên giới Việt - Lào, để góp phần tô thắm và ngày càng thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa người dân 2 nước.

Đăng Đức