Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19

(Dân trí) - Nằm sát khu cách ly Nguyễn Văn Cừ có 2 quầy tạp hóa nhỏ vẫn mở cửa bán hàng như bình thường, bởi lý do đặc biệt: Để con phố bớt buồn, để người ngoài nhìn vào biết cư dân ở đây vẫn an toàn và vững tâm.

Tối 16/3, Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 thứ 59 là nữ tiếp viên trên chuyến bay từ Vương quốc Anh về Việt Nam ngày 2/3/2020, sinh sống tại phường Bồ Đề, Quận Long Biên, Hà Nội. Ngay trong buổi sáng ngày hôm sau, lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly khu nhà trọ nằm trong ngõ 162 đường Nguyễn Văn Cừ, nơi mà tiếp viên này cư trú.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 1
Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 2

Ngõ 162 đường Nguyễn Văn Cừ là khu thuần dân cư, rất ít hàng quán buôn bán. Tuy nhiên, ngay sát khu nhà trọ được cách ly có 2 quầy tạp hóa, thì cả 2 vẫn bán hàng bình thường, mặc cho các ngôi nhà dân quanh đó “cửa đóng then cài” vì sợ dịch, đây là một điều đặc biệt so với những gì mà chúng tôi ghi nhận tại 2 khu cách ly Covid-19 còn lại (phố Trúc Bạch và ngõ 165 Cầu Giấy).

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 3
Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 4

Chủ nhân của hàng tạp hóa nằm phía đầu ngõ, cách khu cách ly chỉ mươi bước chân là bác Khuê, năm nay đã 83 tuổi. Hỏi thăm mới biết, bác Khuê vẫn còn mở hàng là vì một lý do đặc biệt: “Khi khu này tiến hành cách ly, con cháu khuyên tôi đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tôi cũng đang phân vân nên ra hỏi các chú công an trực ở đây, được các chú động viên cứ yên tâm bán hàng như bình thường. Tôi nghe báo đài thấy nhà nước chống dịch tốt, rất tin tưởng, giờ nghe các chú ấy nói vậy thì mình cứ bán thôi, chẳng ngại gì” – Bác Khuê kể.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 5

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác Khuê ví các chiến sĩ trực xuyên đêm ở khu cách ly này, cũng giống như hình ảnh người bộ đội năm xưa, điều này khiến bác cảm thấy gần gũi và vững tâm. “Quân với dân như cá với nước, có việc gì là tôi lại hỏi các chú ấy và các chú ấy nói gì tôi cũng nghe. Ngay như trước nhà tôi trồng ít rau trong thùng xốp, tôi cũng hỏi các chú ấy có dịch thế này có ăn được nữa không? Nghe bảo an toàn tôi mới để đấy chứ không cũng vặt đi hết” – Bác Khuê hóm hỉnh chia sẻ.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 6

Những thùng xốp trồng rau trước cửa quán tạp hóa của bác Khuê

Bác Khuê cũng tâm sự với chúng tôi rằng, từ ngày có dịch bán chậm, chẳng mấy ai mua, nhưng bác vẫn mở hàng để con ngõ nhỏ này còn có “sức sống”, để ai cần thì còn có chỗ mà mua, nhất là các chiến sĩ túc trực ngày đêm ở khu cách ly này. Bác Khuê chia sẻ: “Tôi phải mở hàng chứ, để người ta có quay phim, chụp hình khu này thì thấy nó vẫn tươi vui, chứng tỏ công tác của nhà nước ở đây rất đảm bảo, người dân yên tâm. Giờ đóng cửa, cả ngõ đìu hiu người ngoài thấy lại hiểu nhầm là khu này giờ không còn an toàn nữa”.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 7

Hầu hết các nhà dân đều đóng kín cửa, chỉ riêng 2 quầy tạp hóa vẫn hoạt động bình thường, giúp mang lại sức sống cho cả con ngõ.

Cụ bà 83 tuổi tự hào khoe với chúng tôi: “Tôi giờ có 10 cháu, 5 chắt, con cái thành đạt hết, giờ tôi bán hàng thế này cho vui, lại đỡ phải phiền con cháu chu cấp. Tôi già nhưng còn khỏe lắm, không phải lo sợ gì dịch bệnh cả. Giờ cứ mở hàng coi như là cùng nhà nước chống dịch”.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 8

Chiếc bàn nhỏ bác Khuê dùng để tính toán tiền hàng.

Bác Chiến là chủ nhân của hàng tạp hóa thứ 2 trên khu này, nằm ngay bên hông khu nhà nghỉ được cách ly. Bác Chiến chia sẻ rằng, từ ngày có lệnh cách ly, lượng người đi trên phố giảm hẳn một nửa, lượng người mua hàng cũng có sức giảm gần tương tự. Giống như bác Khuê, nhờ cập nhật tin tức thường xuyên và biết rằng, việc nằm gần khu cách ly không có gì phải quá sợ hãi, nên bác Chiến cũng không nghĩ đến chuyện đóng quán: “Người có bệnh thì đã được đưa lên viện điều trị rồi, đâu có ở đây nữa nên lo sợ làm gì. Mình cứ đeo khẩu trang, rửa tay, nghe báo đài khuyên làm gì để phòng bệnh thì cứ làm theo thôi là không phải lo nghĩ gì nữa”.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 9

Bác Chiến cho rằng, cứ thực hiện đầy đủ phương pháp phòng ngừa thì không phải sợ dịch.

“Bán không có khách mấy nhưng tôi cứ mở hàng thứ nhất là mình vui, thứ hai là cho con phố bớt vắng, bớt buồn. Thêm nữa là các chú trực ở bên chốt thỉnh thoảng qua mua chai nước, gói thuốc cho tiện đỡ phải đi xa” – Bác chiến bộc bạch.

Chuyện về những người “giữ lửa” đặc biệt tại khu cách ly Covid-19 - 10

Thỉnh thoảng vẫn có vài ba khách ghé quầy hàng của bác Chiến.

Khu Trúc Bạch sầm uất nhộn nhịp là vậy nhưng từ khi có lệnh cách ly, hàng quán xung quanh đóng cửa đồng loạt, đặc biệt là “phố phở cuốn” Ngũ Xã, bỗng chốc trở nên vắng lặng, buồn tênh, thế mới thấy từ một hành động nhỏ của những người như bác Khuê, bác Chiến mang lại ý nghĩa lớn như thế nào cho “sức sống” của cả khu dân cư. Mỗi hành động xuất phát từ sự am hiểu về dịch bệnh như vậy cũng chính là đang góp thêm “sức mạnh” vào cuộc chiến chống lại Covid-19 của cả nước.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

Minh Nhật