1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Chuyển tuyến ảo", bác sĩ Hà Nội bắt bệnh cho bệnh nhân vùng xa

Tú Anh

(Dân trí) - Ca bệnh nặng thay vì chuyển tuyến sẽ nằm điều trị tại chỗ, thực hiện "chuyển tuyến ảo", trở thành bệnh nhân chăm sóc đặc biệt được các bác sĩ đầu ngành tại BV Bạch Mai "đi buồng điện tử" hàng ngày.

Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai vừa chính thức triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU), kết nối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ).

Theo đó, các bệnh nhân hồi sức cấp cứu nặng tại 2 bệnh viện này thay vì chuyển tuyến thực lên BV tuyến trên, sẽ được "chuyển tuyến ảo" để các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tại BV Bạch Mai thăm khám, tư vấn điều trị hàng ngày qua các phiên "đi buồng điện tử" qua hệ thống Tele-ICU.

Chuyển tuyến ảo, bác sĩ Hà Nội bắt bệnh cho bệnh nhân vùng xa - 1

Các bác sĩ tại BVĐK Yên Bái kết nối, trao đổi với các chuyên gia tại BV Bạch Mai thông qua hệ thống Tele-ICU.

Theo đó, trên hệ thống Tele-ICU, theo thời gian thực, toàn bộ hồ sơ tóm tắt bệnh án, các chỉ số của máy móc y tế và hình ảnh thực tế của người bệnh từ tuyến dưới đều được truyền tải trực tiếp, chi tiết và liên tục qua các thiết bị chuyên dụng về trung tâm chỉ huy (Command Center) đặt tại BV Bạch Mai. Các chuyên gia tại BV Bạch Mai sẽ đánh giá, tư vấn tiên lượng và hướng điều trị bổ sung.

Chuyển tuyến ảo, bác sĩ Hà Nội bắt bệnh cho bệnh nhân vùng xa - 2

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn ngồi tại Trung tâm chỉ huy trực tiếp đọc các chỉ số sinh hiệu, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống Tele-ICU và đưa ra tư vấn hướng điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Yên Bái và BVĐK Hùng Vương.

Đặc biệt, những nội dung thực hiện trong quá trình "đi buồng điện tử" đều được cập nhật đồng bộ vào hồ sơ tóm tắt bệnh án trên nền tảng Tele-ICU  để các bác sĩ ở các ca trực tiếp theo có thể nắm bắt và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Điều này giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân được liên tục, đảm bảo tính thống nhất đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu y khoa chuyên sâu.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phụ trách TT Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, với hệ thống này, ngoài việc hội chẩn, đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nó sẽ giúp các bác sĩ không phải đi mà vẫn được học, được nâng cao tay nghề, chữa tốt hơn, và người bệnh ở các địa phương không phải chuyển tuyến mà vẫn được chữa trị kịp thời, khỏi bệnh.

Bên cạnh việc kết nối BV Bạch Mai với BVĐK Hùng Vương và BVĐK tỉnh Yên Bái, hệ thống Tele-ICU đã và đang được triển khai kết nối và bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực tại nhiều đơn vị y tế lớn nhỏ trên toàn quốc như: BV Đại học Y- BVĐK tỉnh Thanh Hóa, BV Nhi Đồng 1 - BV Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng…

Đặc biệt, tháng 7/2020, một bệnh nhân bị thủng dạ dày tại Côn Đảo đã được cứu sống nhờ hệ thống Tele-ICU kết nối giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo và BV Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chuyên gia tại BV Bà Rịa - Vũng Tàu với đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn các bác sĩ tại Côn Đảo kịp thời tận dụng tốt "thời điểm vàng" để cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.