Chuyện kể cặp tai điếc lần đầu tiên nghe được âm thanh

(Dân trí) - Trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 tại Trung tâm Thính học, Viện Nhi TƯ, hình ảnh Vương Duy Khang (9 tuổi) và Đặng Công Phong (8 tuổi) lần đầu tiên nghe được âm thanh đã khiến mọi người chứng kiến nhiều người mừng rơi nước mắt.

Chuyện kể cặp tai điếc lần đầu tiên nghe được âm thanh - 1

Khang và Phong luôn quấn quýt bên nhau như đôi sam: (ảnh,H.Ngân)
 
Vừa bước vào cửa Trung tâm, nhìn thấy chúng tôi và bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, ngôn ngữ đâu tiên mà Khang và Phong tiếp xúc với chúng tôi đó là “ngôn ngữ tay” và những tiếng ú ớ kèm theo. Chị Hoàng Thanh Tâm, mẹ cháu Khang cho biết, năm Khang lên 1 tuổi thì gia đình phát hiện Khang bị điếc. Lúc đó gia đình không tin, rất sốc và đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Giống hoàn cảnh của Khang, Đặng Công Phong cũng được gia đình phát hiện ra em bị điếc lúc lên 2 tuổi.

Một điều khá ngẫu nhiên, mặc dù 2 gia đình Khang và Phong không ở gần nhau, nhưng 2 em lại học chung một lớp. Cũng từ cái “duyên kì ngộ” Khang và Phong trở thành đôi bạn thân của nhau, quấn quýt bên nhau như đôi sam và nhiều người ngỡ tưởng Phong và Khang là 2 anh em ruột.

Chị Tâm, mẹ của Khang tâm sự, sau ca phẫu thuật cấy máy điện cực ốc tai, vừa mở mắt ra Khang đã hỏi: “Mẹ ơi Phong đâu?”. Ở bên kia phòng phẫu thuật Phong cũng hỏi mẹ câu tương tự. Có lẽ, cũng từ những tình bạn chân tình của Phong và Khang đã gắn gia đình chúng lại bền chặt hơn trong các mối quan hệ xã hội. 

Chuyện kể cặp tai điếc lần đầu tiên nghe được âm thanh - 2
Cặp đôi Khang - Phong cùng 2 mẹ và bác sĩ Xương: (ảnh,H.Ngân) 

Sau nhiều lần dò tìm những mong mang lại âm thanh cho đôi tai của con, cách đây 1 tháng Phong và Khang cùng 3 đứa trẻ khác đã được Trung tâm Thính học tiến hành phẫu thuật cấy máy điện cực ốc tai và hôm nay 25/8, cũng là buổi đầu tiên Trung tâm thính học (Viện nhi TƯ) bật máy điện cực ốc tai cho Khang và Phong sau 1 tháng tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ Xương cho biết thêm, giá thành cho mỗi ca phẫu thuật này (1 bên tai) là 500 triệu đồng. Nếu so với giá của Mỹ là khoảng 2 tỉ đồng, các nước trong khu vực là 1,4 tỉ đồng.

 

Chị Tâm cũng cho biết thêm, chị đã liên lạc sang bệnh viện của Hồng Kong chi phí cho một ca phẫu thuật ở đó tốn kém khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể chi phí đi lại hiệu chỉnh máy, chi phí ăn ở trong thời gian học với giáo viên chuyên môn… Trong khi đó chi phí phẫu thuật trong nước chỉ bằng 1/4, và quan trọng là các bác sĩ rất nhiệt tình, trách nhiệm.

Bước vào phòng nghe máy, gia đình Khang - Phong ra hiệu dặn các em, “nếu nghe thấy tiếng “tút…tút” thì cầm đồ chơi xếp vào nhé!”, cả Phong và Khang ngoan ngoãn  vâng lời.

Những âm thanh phát ra từ chiếc máy tính xách tay của vị chuyên gia nước ngoài, Phong và Khang lần lượt cầm đồ chơi xếp ngay ngăn trong sự mừng vui khôn xiết của gia đình và người thân… Niềm hy vọng mang lại đôi tai bình thường như bao đứa trẻ khác của gia đình Phong và Khang bắt đầu hé mở.

“Lần đầu tiên cháu nghe thấy tiếng mẹ, tim mình như vỡ ra, xúc động đến rơi nước mắt như cô dâu sắp về nhà chồng… Kết quả như hôm nay nằm ngoài sự mong đợi của mình, bé Khang đã nghe thấy tiếng mẹ gọi và đáp lại bằng ngôn ngữ, mặc dù chỉ là u… a, và biết quay đầu lại phía có âm thanh phát ra chứ không dùng hoàn toàn tín hiệu như trước. Lúc nào Khang cũng hớn hở mỗi khi nghe được”, chị Tâm chia sẻ. 

 
Bác sĩ Trung tâm Thính học Nguyễn Tuyết Xương cho biết, đây là lần đầu tiên Trung tâm Thính học - Viện nhi TƯ ở miền Bắc thực hiện thành công 5 ca cấy điện cực ốc tai cho những trẻ bị điếc bẩm sinh. Đây là kỹ thuật tiên tiến dành cho những bệnh nhân bị điếc rất nặng, dùng máy trợ thính cũng không có kết quả.
 
Trao đổi với Dân Trí, BS Phùng Thị Hương Loan, trưởng khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt (BV Nhi TƯ) cho biết: “5 ca phẫu thuật cấy ốc tai đầu tiên rất thành công, sau phẫu thuật các cháu tiếp tục được hiệu chỉnh máy và học với giáo viên chuyên môn. Trong 3 tháng đầu, mỗi tháng các cháu được hiệu chỉnh máy 1 lần, sau đó là 6 tháng/lần tùy mức nghe của mỗi cháu.

Tiếp đó, mỗi tuần các cháu được học 2 buổi với giáo viên chuyên huấn luyện trẻ khiếm thính sau cấy ốc tai. Ngoài ra, sự phối hợp của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Trẻ có thể nghe, nói gần như bình thường sau 1 đến 2 năm (thời gian tích lũy ngôn ngữ)”.

Sau khi phẫu thuật 1 tháng thì các chuyên gia sẽ bật máy nghe lên, khi đó trẻ sẽ nhận biết được âm thanh ở mọi tần số khác nhau.Thiết bị này được sử dụng suốt đời.

 

Tuy nhiên, sau khi trẻ nghe được âm thanh thì gia đình phải tiếp tục dạy để trẻ hiểu được âm thanh, lời nói như người bình thường. Đây là quá trình cần phải có sự kiên trì của gia đình.

 
Hồng Ngân - Thu Hà