Chuyên gia tư vấn sử dụng dầu ăn đúng cách

(Dân trí) - Dầu ăn là một trong những nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể con người và là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Thế nhưng sử dụng dầu ăn thế nào để có lợi cho sức khỏe không phải ai cũng biết.

Hội thảo Sức khỏe và ATTP 2015 tại Hà Nội
Hội thảo Sức khỏe và ATTP 2015 tại Hà Nội

Nên sử dụng dầu thực vật như thế nào?

Dầu thực vật được chứng minh là có giá trị năng lượng tương đương mỡ động vật nhưng lại có nhiều ưu điểm vượt trội so với mỡ động vật như: không có cholesterol, chứa nhiều vitamin A, E, các a-xít béo không no, đóng vai trò chuyển hóa & đào thải cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp, nhất là đối với người cao tuổi.

Tại hội thảo “Sức Khỏe và an toàn thực phẩm 2015” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức ngày 5/4 tại Hà Nội, các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn: Khi chiên rán, nên chỉnh nhiệt độ vừa phải để thực phẩm chín sâu hơn và không bị cháy. Nếu để nhiệt độ cao hơn điểm bốc khói của dầu sẽ khiến dầu ăn bị cháy và bốc khói, sản sinh ra những chất không có lợi cho sức khỏe.

Dầu ăn sau khi dùng để chiên, rán tốt nhất nên bỏ đi, không sử dụng lại bởi sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra trans fat- một a-xít béo có hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, các vitamin có trong dầu sẽ bị phá huỷ, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu. Không những thế, những cặn thực phẩm bị cháy trong quá trình chiên rán còn đọng lại trong dầu đã qua sử dụng mà mắt thường không nhìn thấy cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Khi sử dụng dầu ăn ở dạng ăn sống như trộn salad hoặc cho vào món xào ngay trước khi nhắc ra khỏi bếp sẽ giúp phát huy tác dụng của các a-xít béo không no.

Ngoài ra, người nội trợ cũng nên lưu ý sử dụng dầu ăn cao cấp, chất lượng từ các thương hiệu uy tín để chiên, rán và chế biến thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Dầu đông là hiện tượng vật lý bình thường
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Dầu đông là hiện tượng vật lý bình thường

Bảo quản dầu ăn cách nào?

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi loại dầu ăn có một khả năng chịu đựng nhiệt độ lạnh khác nhau, hay “điểm đông” khác nhau. Một số loại dầu chỉ cần vài phút là đông (như dầu mè, dầu phộng, dầu olein cọ) nhưng cũng có loại chịu được đến vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần (như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu gạo...).

Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, dầu đông khi nhiệt độ xuống thấp là hiện tượng vật lý bình thường, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của dầu, cũng như sức khỏe người sử dụng.

Mặc dù dầu đông không ảnh hưởng đến chất lượng, ATVSTP nhưng lại gây bất tiện cho người sử dụng trong thao tác chế biến thực phẩm. Để tránh hiện tượng đông, nên bảo quản dầu ăn ở nơi có nhiệt độ từ 25°C trở lên trong mùa lạnh. Trường hợp dầu bị đông, cũng không nên lo lắng. Hãy ngâm chai dầu vào nước ấm. Ở nhiệt độ trên “điểm đông”, dầu sẽ dần quay trở lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường.

Ngoài ra, nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Trong quá trình bảo quản, khi gặp môi trường lạnh, dầu ăn thường có hiện tượng bị đông và chuyển sang màu trắng đục, gây lo lắng cho người sử dụng. Thực ra, đây là hiện tượng vật lý tự nhiên, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng ATVSTP như nhiều người nghi ngại.


Nhân Hà