Chuyên gia tạo hình: Nhấn mí, cắt mí là phẫu thuật thẩm mỹ khó nhất!
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Huy Cảnh - Phó Chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tạo hình mí mắt (blepharoplasty) là một trong những phẫu thuật khó nhất trong số các phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong suốt gần 15 năm làm nghề, TS Huy Cảnh cho biết đã sửa cho khách hàng của mình và của người khác cũng rất nhiều. Những vấn đề thường gặp nhất khi thực hiện phẫu thuật này là sụp mí, mí không cân đối thậm chí là loét giác mạc do lộ chỉ bên trong mí mắt...
Trên thực tế, năm nào cũng có những vụ tai biến nghiêm trọng do cắt mí, nhấn mí ở các spa. Điển hình là vụ cắt mí và mỡ bọng mắt tại cơ sở "làm đẹp" ở phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội cuối tháng 11/2017. Sau một đêm thì mắt của khách hàng này bị sưng nhiều, đường khâu mí mắt gồ lên rất xấu.
Hay như trường hợp chị H.T.H (28 tuổi), thực hiện nhấn mí ở 1 cơ sở spa, thấy mắt trở về bình thường, mí rõ hơn. Tuy nhiên, một năm sau (8/2018), chị thấy mắt có biểu hiện sưng đỏ, phần chỉ nhấn mí bị lộ ra ngoài khiến da nhiễm khuẩn, hình thành u hạt… Theo các bác sĩ, u hạt có thể 'ăn mòn' hết mí dẫn tới hoại tử mí mắt.
Mới nhất là trường hợp bệnh nhân nhấn mí tại 1 cơ sở spa mà bác sĩ Huy Cảnh vừa điều trị. Bệnh nhân này bị sụp mi phải, mí mắt phải to hơn trái, mắt phải luôn có cảm giác cộm mắt. Mi trên 2 bên thấy có những điểm sẹo nhỏ nằm trên đường nếp mí, mắt phải có điểm sẹo nằm cao và co rút hơn bên trái suốt 6 tháng qua.
Theo TS. Huy Cảnh, những tai biến này là do người thực hiện phẫu thuật này không phải là bác sĩ, chỉ là “cầm tay chỉ việc”.
“Thực chất để làm phẫu thuật này rất khó và phải bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề cao mới làm được”, TS Cảnh cho biết.
Trong khi đó, các khách hàng muốn nhấn mí, cắt mí lại luôn coi thường, nghĩ đó chỉ là ca phẫu thuật nhỏ.
TS Cảnh giải thích: cố định nếp mí có nhiều kỹ thuật và tùy từng trường hợp mà áp dụng. Nhấn mí cũng không đơn thuần là chỉ luồn chỉ và khâu lại là xong. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mắt, tổ chức mô mềm, độ nông sâu của mắt mà tính số mũi khâu. Để làm được phải có đào tạo cơ bản và càng có kinh nghiệm sẽ càng thành công, hạn chế được biến chứng.
Với người không có chuyên môn, mí sau khi cắt có thể bị sụt do cố định vùng nếp da quá cao vào cơ nâng mi, hay khâu sai kỹ thuật gây lộ chỉ (nếu lộ ở phía trong sẽ gây loét giác mạc do liên tục cọ sát), mất cân đối 2 bên mí, gây viêm sụn, sưng nề thậm chí viêm rò. Ngoài ra, tại các spa, nhấn mí thường không đúng kỹ thuật nên dễ gây rúm và biến dạng mi mắt.
Riêng về sụp mí sau khi cắt mí 1 thời gian, TS Cảnh cho rằng có thể do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể do cơ mi bị quá tải.
Một hiểm họa tiềm ẩn khác ít được chị em để ý nhưng vô cùng nguy hiểm là nguy cơ nhiễm trùng, lây nhiễm HIV, viêm gan B. Bởi vô trùng thiết bị y tế không chỉ đơn thuần là đem luộc sôi vì có những vi rút như viêm gan B không chết ở 100 độ C.
Đó là lý do vì sao nhấn mí và cắt mí là kỹ thuật buộc phải thực hiện ở các cơ sở y tế được cấp phép theo quy định của Bộ Y tế và phải do những người có chuyên môn, bằng cấp bác sĩ thực hiện.
Trần Phương