1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia nhi cảnh báo những "nụ hôn tử thần"

(Dân trí) - Thông tin được chia sẻ trên mạng cảnh báo của một bác sĩ "tuyệt đối không cho bất cứ ai hôn con mình" vì nguy cơ lây truyền virus RSV nguy hiểm không có thuốc chữa khiến nhiều bà mẹ "thót tim" vì thói quen âu yếm con trẻ của người Việt.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, việc hôn hít trẻ có thể lây truyền virus cúm, virus viêm đường hô hấp, viêm gan A, thậm chí cả lao nguy hiểm.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, một bác sĩ cảnh báo loại virus không có thuốc chữa đặc hiệu, cũng chưa có vắc xin phòng bệnh và có nguy cơ lây qua nụ hôn. "Các mẹ đang nuôi con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, ở thời điểm giao mùa này nguy cơ lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp rất cao, nên hạn chế cho con đến những nơi công cộng, nơi đông người, tránh khói thuốc lá, khói than củi, khói bụi, và đặc biệt là KHÔNG CHO BẤT CỨ AI HÔN CON CỦA MÌNH", vị bác sĩ nhấn mạnh.

Chuyên gia nhi cảnh báo những nụ hôn tử thần - 1

Chăm sóc bệnh nhi sơ sinh tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cảnh báo về nguy cơ lây truyền bệnh qua những nụ hôn hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, virus hợp bào đường hô hấp (RSV) không phải virus lạ. Đây là chủng virus đường hô hấp khá thường gặp, là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Căn bệnh này hiếm gặp ở người lớn, nên khả năng lây lan sang trẻ từ người lớn rất khó xảy ra.

"Nhưng các virus khác như cúm, virus viêm đường hô hấp, tay chân miệng, viêm gan A, thậm chí cả lao nguy hiểm là có nguy cơ xảy ra khi tiếp xúc gần đường hô hấp, hôn hít trẻ", PGS Dũng nói.

Trong giai đoạn đông -xuân, virus này hợp bào phát triển mạnh mẽ hơn, dễ dàng "tấn công" trẻ em. Khi nhiễm virus hợp bào, bệnh nhân có biểu hiện như các bệnh viêm đường hô hấp thông thường, khởi đầu là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Các trường hợp nhiễm bệnh thường tự khỏi sau 3 - 5 ngày.

Tuy nhiên, ở những trường hợp sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… virus có thể tấn công gây các triệu chứng nguy hiểm, gây viêm mũi họng, viêm tai giữa, nặng hơn là dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.

Bệnh do virus RSV gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế cần chăm sóc triệu chứng, nâng cao thể trạng và theo dõi sát diễn biến bệnh ở trẻ. Thông thường bệnh tự khỏi sau một vài ngày, còn khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn.

PGS Dũng cũng cho rằng cần hạn chế thói quen hôn hít trẻ, tiếp xúc gần với trẻ nhất là khi người lớn có biểu hiện cúm như hắt hơi, sổ mũi, ho, bị các bệnh herpes...Người mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhiễm cúm, không đến khu vực đông người.

Cùng quan điểm này, bên lề Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Nhi và hội thảo khoa học nhi khoa Việt - Mỹ, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, nhiều bệnh nhi vào viện do lây truyền các bệnh hô hấp từ người lớn do tiếp xúc gần, trong đó ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh dễ diễn biến nặng vì sức đề kháng của trẻ yếu.

Vì thế, không nên suốt ngày ôm ấp gần, hôn hít trẻ. Người lớn có các bệnh đường hô hấp cần chủ động phòng bệnh bằng cách ly với trẻ, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng thường xuyên để tránh lây bệnh cho trẻ.

TS.BS Nguyễn Thành Nam – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, với mục tiêu “Tận tâm – Chuyên sâu – Thân thiện”, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể khoa Nhi qua các thời kỳ luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn coi công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các đồng nghiệp tuyến cơ sở luôn được chú trọng. Các công trình nghiên cứu khoa học ngày càng được triển khai nhiều tại Khoa Nhi.

Thời gian qua, nhờ mô hình liên kết Sản - Nhi, kết hợp với các chuyên khoa chuyên sâu khác tại bệnh viện đã cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo. Điển hình là trường hợp cứu sống trẻ đẻ non 28 tuần, ngạt nặng, mẹ nhiễm khuẩn huyết nặng, mất sau sinh một ngày nhưng trẻ đã được cứu chữa thành công.

Hay cháu Đặng Thị Bé, mẹ bị bệnh tim nặng, mất trước khi có dấu hiệu chuyển dạ nhưng đã được các bác sĩ cứu sống, khỏe mạnh xuất viện nhờ sự phối hợp cấp cứu giữa các chuyên khoa. Ngoài ra, kỹ thuật cấp cứu sơ sinh, thở máy đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện tuyến dưới, giúp cứu sống thêm nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Với những bệnh nhân này, nếu tuyến dưới không thực hiện được kĩ thuật sẽ vô cùng khó khăn để có thể vận chuyển an toàn bệnh nhi lên tuyến trên.

Vì thế, thời gian tới, khoa tiếp tục thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến dưới, kết hợp với mô hình Sản - Nhi và các chuyên khoa chuyên sâu để kịp thời cứu chữa bệnh nhi sơ sinh bệnh lý kịp thời.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm