Chuyên gia nhận định đường lây truyền ca mắc Covid-19 ở Mê Linh

(Dân trí) - Từng đến bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, sau 24 ngày bệnh nhân dương tính virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm kháng thể cho thấy bệnh nhân mới mắc Covid-19, vì thế, có thể bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết gần đây có một số ca bệnh Covid-19 chưa xác định được nguồn lây. Dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng, vì thế về dịch tễ để khẳng định được nguồn thì cần điều tra thêm, chính xác. 

Vừa qua có ý kiến cho rằng một số bệnh nhân có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, có thể lây từ Bạch Mai. Ví dụ bệnh nhân 243 ở ở Mê Linh vào Bệnh viện Bạch Mai từ rất sớm (ngày 12/3), đến ngày 4/4 lấy mẫu, ngày 5/4 có kết quả dương tính. Điều đó thể hiện là bệnh nhân đó đang mắc bệnh, song cần phải làm thêm xét nghiệm kháng thể để xem người này đã nhiễm lâu chưa hay vừa nhiễm. 

“Kết quả cho thấy không phát hiện kháng thể ở bệnh nhân này. Qua đây có thể hướng tới nghĩ rằng trường hợp này mới nhiễm”, TS Phu nói.

Cũng theo ông, điều tra dịch tễ cho thấy người này tiếp xúc với với nhiều người, ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả nơi có nguy cơ cao như bệnh viện khác. Vì thế, không thể khẳng định nguồn lây từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đến viện đã lâu, có thể lây nhiễm ở trong cộng đồng. 

Chuyên gia nhận định đường lây truyền ca mắc Covid-19 ở Mê Linh - 1

Rất khó tìm nguồn lây nhiễm

TS Phu cũng thừa nhận việc đi tìm nguồn lây nhiễm rất khó, nhất là trong thời điểm hiện nay có trường hợp lây tại cộng đồng, chỉ trường hợp cần thiết mới làm xét nghiệm kháng thể. Việc quan trọng là tập trung vào phát hiện ca bệnh, người tiếp xúc gần, ca bệnh có liên quan để tiến hành cách ly khoanh vùng dập dịch. 

“Chúng ta không biết ai là người đang nhiễm, chúng ta cũng không biết đâu là nguồn bệnh. Vì thế việc giãn cách xã hội là việc vô cùng quan trọng. Việt Nam làm rất quyết liệt, làm sớm trong thời điểm khi số ca bệnh trong cộng đồng chưa phải là cao. Việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tại tất cả các nơi, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt”, TS Phu nhấn mạnh. 

Việc cách ly xã hội nhằm hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh. Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không cơ cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch Covid-19 còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu nên không được lơ là, chủ quan. Dự kiến có thể sẽ tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới trong thời gian tới trong đó chủ yếu từ các đối tượng đi về từ nước ngoài hoặc một số trường hợp nhiễm thứ phát trong cộng đồng.

Đến sáng 8/4, Việt Nam ghi nhận 251 ca mắc Covid-19. 

Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19). Trong đó giai đoạn 1 là phát hiện ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2 là từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam, giai đoạn 3 là khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc. Tình huống thứ 4 là khi số mắc trên 1.000 ca. Hiện dịch bệnh tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn 3. 

 

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm