Ngăn ngừa Covid - 19:

Chuyên gia "mách" cách tăng sức đề kháng từ bữa ăn hàng ngày

(Dân trí) - Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng, ăn đủ dinh dưỡng, vận động đều đặn sẽ giúp mỗi người có một thể lực, sức đề kháng tốt ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Ăn đủ chất, 5 vitamin quan trọng tăng cường miễn dịch

Theo PGS Mai, một chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng, góp phần tăng cường thể lực, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng được tính toán theo nhu cầu khác nhau giữa độ tuổi, giới, khác biệt giữa người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú…

Chuyên gia mách cách tăng sức đề kháng từ bữa ăn hàng ngày - 1

PGS.TS Lê Bạch Mai

Trên nguyên tắc chung, để đảm bảo một sức khoẻ tốt nhất, chế độ ăn cần đảm bảo cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng gồm: Nhóm chất bột đường; Nhóm chất đạm; chất béo; vitamin và khoáng chất.

Một bữa ăn để hợp lý cần chú ý đủ năng lượng và các chất sinh năng lượng, các vitamin, chất khoáng.

"Trong mùa dịch hay bất cứ thời điểm nào, các vitamin liên quan nhiều tăng cường miễn dịch, chống oxy hoá tốt như vitamin A, D, C, B6, B9 rất quan trọng. Đây là 5 vitamin quan trọng nhất trong việc tăng sức đề kháng nói chung, trong dịch bệnh Covid -19 nói riêng có nhiều trong các loại rau xanh, đạm", PGS Lê Bạch Mai cho biết.

Bên cạnh đó, các chất khoáng cần quan tâm đến: kẽm, selen. "Người ta đã chứng minh kẽm liên quan nhiều cho 200 enzym trong cơ thể. Chúng ta có thể ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng muốn chuyển hoá nó thành chất dinh dưỡng đều cần có sự tham gia của các enzym. Nếu không có enzym quá trình đó không xảy ra, không tiêu hoá được (hiện tượng sống phân), PGS Mai phân tích. Đây cũng là chất kích thích ăn ngon miệng.

Sắt dạng tự do không tốt trong quá trình miễn dịch, nhưng sắt phức hợp rất cần với tế bào miễn dịch vì thế cần cung cấp đủ. Tỉ lệ thiếu máu ở chị em phụ nữ  rất cao (khoảng 24% thiếu máu), phụ nữ có thai 3 người thì có 1 người thiếu máu, trẻ em dưới 2 tuổi tỉ lệ thiếu máu trên 50%... Lúc này, ăn các loại thịt đỏ rất quan trọng để cung cấp chất khoáng này.

Một bữa ăn ít nhất 10 thực phẩm khác nhau

PGS Mai nhấn mạnh, chế độ ăn muốn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, phải đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng, nhiều thực phẩm khác nhau trong bữa ăn.

Mỗi bữa nên có 5 nhóm thực phẩm khác nhau, lý tưởng nhất là trên 10 loại thực phẩm khác nhau. Nhiều bà mẹ sẽ kêu trời là khó, nhưng chỉ chú ý một chút, bạn sẽ đảm bảo được mâm cơm đầy đủ dinh dưỡng trong gia đình. 

"Khi nấu cơm, bạn đừng chỉ nấu nguyên gạo, hãy ngâm lẫn một vài hạt đỗ, có thêm khoai, ngô trên mâm cơm. Thực phẩm thì ngoài thịt, cá, trứng... hãy nhớ bổ sung nhiều loại rau với nhiều màu sắc khác nhau. Đừng bao giờ băn khoăn có bát canh rau rồi, có nên xào thêm chút bí đỏ, có thêm chút rau sống (không riêng xà lách, mà hãy thêm rau mùi, húng chó, các loại gia vị hành, tỏi đi kèm.

Ăn tráng miệng, thay vì bổ 3 quả ổi, hãy bổ một phần thôi, còn thêm nửa quả chuối, vài miếng táo. Trong một bữa cơm gia đình tôi, không bao giờ dưới 10 loại thực phẩm. Đó là nguyên tắc để đảm bảo nguồn dinh dưỡng đa dạng, không có một loại thực phẩm gì tốt tuyệt đối. Ăn càng đa dạng, nguồn dinh dưỡng cung cấp càng đầy đủ", PGS Mai nhấn mạnh.

"Ăn ít nhất 10 loại thực phẩm trong một bữa, trong ngày thay đổi các nguồn thực phẩm khác nhau, cơ thể sẽ được đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ, có một sức khoẻ tốt nhất chống đỡ bệnh tật", PGS Mai chia sẻ thêm.

Tập luyện hàng ngày

Theo PGS Mai, để phòng chống dịch Covid -19, Bộ Y tế khuyến cáo tụ tập đông người, nhưng chúng ta vẫn có thể lựa chọn giải pháp tự luyện tập, giữ tinh thần ổn định, duy trì dinh dưỡng, ngủ đủ sẽ có một sức khoẻ tốt nhất.

Mỗi ngày 30 phút vận động đều đặn sẽ giúp bạn tăng cường sức khoẻ. Điều này được kiểm chứng rất rõ với những người chưa từng luyện tập. Ngày đầu, việc đi bộ nhanh liên tục 10 - 20 phút sẽ khiến bạn hụt hơi, nhưng kiên trì 7 ngày liên tiếp, mỗi ngày tăng số phút đi bộ thêm 5 - 10 phút, bạn sẽ nhanh chóng đi phăm phăm cả tiếng đồng hồ không mệt mỏi.

Sử dụng các phương pháp bổ trợ

Bạn hãy thực hiện vệ sinh sạch mũi họng, niêm mạc mắt, mũi, họng giữ ấm, ẩm để có hàng rào bảo vệ tự nhiên tốt nhất, đeo khẩu trang khi đến nơi nguy cơ, rửa tay sát khuẩn thường xuyên...

Ngoài ra, có thể bổ sung hoạt chất để giúp tăng cường miễn dịch, thúc đẩy và hoạt hóa các tế bào miễn dịch trong các bệnh nhiễm khuẩn, cảm cúm.

"Đặc biệt hãy lưu ý đến vấn đề dinh dưỡng như tôi khuyến cáo. Mọi khi đã ăn rau, nhưng không chú ý rau gì, giờ chọn rau nhiều màu hơn, xanh hơn, vàng hơn có thêm chất chống oxy hoá, tăng cường cá và hải sản có thêm kẽm, sử dụng lòng trứng có thêm DHA, đa dạng hoá nguồn thực phẩm trên mâm cơm gia đình", PGS Mai nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm