Chuyên gia hàng đầu của Pháp cảnh báo về hội chứng ngừng thở khi ngủ
(Dân trí) - Là chuyên gia nổi tiếng hàng đầu về chữa trị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở người lớn, Bác sĩ Francis Martin, Trưởng khoa Bệnh lý giấc ngủ, trưởng khoa hô hấp tại bệnh viện Compiègne, Pháp vừa có mặt tại Việt Nam, trực tiếp cùng các bác sỹ tại Bệnh viên đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tư vấn cho bệnh nhân. Đồng thời dành thời gian trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp tại đây.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Francis Martin.
Thưa ông, hội chứng ngừng thở khi ngủ ngày càng trở nên phổ biến, xin ông cho biết, hội chứng ngừng thở khi ngủ có những nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe mỗi người?
BS Francis Martin: Hội chứng ngừng thở khi ngủ là trong quá trình ngủ, người bệnh bị ngưng lưu thông không khí trên 10 giây, có lúc giảm lưu thông không khí gọi là giảm thở, lưu lượng giảm trên 50% cũng trên 10 giây. Việc này làm không khí không lưu thông được vào phổi đem oxy tới não.
Khi mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe: chất lượng giấc ngủ giảm sút dẫn đến rối loạn giấc ngủ, ban ngày mệt mỏi khiến cho hiệu quả công việc kém, đặc biệt tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Những yếu tố này làm chất lượng cuộc sống giảm sút.
Bên cạnh đó, việc bị hội chứng ngừng thở tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh mạch mành.
Thưa BS Francis Martin, từ thực tiễn khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City về hội chứng ngừng thở khi ngủ, ông có thể đánh giá về tình hình chung của hội chứng này?
BS Francis Martin : Qua thăm khám và tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, tôi thấy hầu hết bệnh nhân đều còn tương đối trẻ tuổi, trung bình trong khoảng 30-40 tuổi.
Những bệnh nhân chúng tôi thăm khám hôm nay ngoài thực tế thừa cân, béo phì, mệt mỏi, thường xuyên buồn ngủ, hay đau đầu vào buổi sáng, ban đêm ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, họ đều ngủ ngáy, thậm chí người nhà của họ còn thông báo cho họ về những cơn ngừng thở khi ngủ.
Vậy dấu hiệu cảnh báo của bệnh này như thế nào, ông có khuyến cáo gì cho cộng đồng thưa bác sĩ?
BS Francis Martin: Thực tiễn khám bệnh cho thấy những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc hội chứng này rõ nhất. Do đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh thừa cân béo phì và luyện tập thể dục thể thao đều đặn để có thể lực khỏe mạnh.
Ngoài ra, triệu chứng tương đối hay gặp là ngủ ngáy, hay người thường thức giấc vào ban đêm, có thể đi tiểu 3-4 lần, ngủ không ngon giấc; ban ngày ngủ dậy mệt mỏi, đau đầu buổi sáng, không sảng khoái, khó tập trung.
Do đó, hãy tập thói quen ngủ đúng giờ, đều đặn, hạn chế ngủ thất thường. Đồng thời tránh dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ để có giấc ngủ sâu, ngủ ngon.
Đối với những người có các biểu hiện lâm sàng như trên, cần đến cơ sở y tế chuyện khoa để được kịp thời thăm khám, chẩn đoán bệnh từ đó có phương án điều trị hợp lý.
Ông cũng đã làm việc cùng các chuyên gia về lĩnh vực này của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, đánh giá của ông về đội ngũ chuyên gia, bác sỹ tại đây?
BS Francis Martin: Qua làm việc cùng và xem lại các kết quả đo đa ký giấc ngủ, chẩn đoán bệnh của các chuyên gia tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, tôi nhận thấy các bác sĩ của bệnh viện được đào tạo chắc về kiến thức bệnh lý hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Đa ký giấc ngủ dựa trên các thăm dò chức năng được sử dụng phổ biến nhất trong chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống trang thiết bị để tầm soát, phát hiện sớm hội chứng ngừng thở khi ngủ tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tương đối hiện đại, đồng bộ. Theo đó, thông qua hai máy đa ký giấc ngủ và đa ký hô hấp được trang bị tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, các chuyên gia có thể phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh nhanh chóng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)