Chuyên gia chỉ rõ "thủ phạm" chính gây ung thư dạ dày, ai cũng nên biết để tránh
Khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày là do đâu, nhưng đã chỉ ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như vi khuẩn HP, tuổi tác,lối sống…
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa nguy hiểm thứ 2 trên thế giới. Nguy hiểm hơn là số ca mắc bệnh liên tục tăng và ngày càng trẻ hóa. Nếu trước kia bệnh ở người già thì gần đây số ca mắc ung thư dạ dày dưới tuổi 40 liên tục tăng.
Theo các chuyên gia, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên thường bị người bệnh chủ quan, xem nhẹ và chỉ đi khám khi bệnh đã nặng, đến lúc này đã quá muộn.
Vì vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân nên tầm soát ung thư dạ dày khi bước vào tuổi 40-50 mỗi năm 1 lần nội soi dạ dày bằng ống mềm, nhất là những gia đình có người thân từng bị mắc ung thư dạ dày.
Những người thường xuyên có dấu hiệu: tiêu chảy, táo bón, đi ngoài có máu trong phân, cơ thể mệt mỏi thường xuyên, ợ óng, chán ăn, sút cân không rõ lý do… cần được thăm khám sớm.
Chuyên gia chỉ rõ "thủ phạm" gây ung thư dạ dày
Cho đến nay, khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của ung thư dạ dày là do đâu. Tuy nhiên, một số yếu tố được tìm thấy có thể tăng ung thư dạ dày như:
- Nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP): Đây là yếu tố gây bệnh rất lớn. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam rất cao. Ước tính trên thế giới có khoảng 70% dân số mắc vi khuẩn HP. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không phải ai nhiễm HP cũng mắc phải ung thư dạ dày.
- Vấn đề tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Nhưng hiện nay, ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống liên quan đến uống rượu bia, ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động… đều có nhiều nguy cơ cao gây ung thư dạ dày.
- Yếu tố gia đình: Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ mắc bệnh này có liên quan đến đột biến gen; bệnh lành tính lâu năm ở dạ dày không được điều trị... Một số yếu tố nguy cơ khác nữa ví dụ như là nhóm máu, người nhóm máu A có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những nhóm máu khác, ...