Chuyên gia cảnh báo thuốc lá điện tử nguy hại với giới trẻ
(Dân trí) - Đại diện WHO khẳng định, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa Nicotine và các chất độc hại khác, có thể gây ra nhiều tác hại sức khỏe nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn.
“Giới trẻ không bất khả chiến bại trước thuốc lá và bệnh tật”, đó là khuyến cáo được TS Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5, được tổ chức tại Hà Nội và buổi sáng hôm nay, 29/5, chủ trị bởi PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá.
Tham dự Lễ mít tinh còn có bà Lê Thị Nguyệt – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá; ông Bùi Quang Huy, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCSHCM – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các ban ngành đoàn thể tại thành phố Hà Nội và 200 sinh viên Đại học Y tế Công cộng.
Với chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi quảng cáo thuốc lá và sử dụng thuốc lá”, Ngày thế giới không thuốc lá năm nay, WHO muốn nâng cao nhận thức của giới trẻ về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghiệp thuốc lá liên tục nhắm tới đối tượng này, bằng cách đưa ra các sản phẩm thế hệ mới và sử dụng các thông điệp và chiêu thức mới để lừa dối, dẫn dắt thanh niên tiếp tục sử dụng sản phẩm gây hại này.
Trong bài phát biểu, TS Kidong Park khẳng định rằng, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nicotine và các chất độc hại khác, có thể gây ra nhiều tác hại sức khỏe nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn.
“Trong ngắn hạn, các sản phẩm thuốc lá mới này có thể gây tổn thương phổi cấp tính do hóa chất độc hại và chấn thương vật lý nghiêm trọng do cháy nổ pin. Vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, một dịch bệnh chấn thương phổi do thuốc lá điện tử đã xảy ra ở Mỹ, khiến ít nhất 2800 trường hợp nhập viện vì chấn thương phổi và 68 trường hợp đã tử vong. Về lâu dài, Nicotine trong thuốc lá điện tử là một loại thuốc gây nghiện cao và có thể gây hại cho não trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, trong khi hóa chất độc hại trong các loại thuốc lá mới có thể gây ra bệnh mạn tính bao gồm ung thư và bệnh tim mạch, hô hấp”.
Về tình hình thay đổi nhận thức, hành vi hút thuốc tại Việt Nam, Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc. “Không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ Tết, đám cưới, đám hiếu… 5 năm qua cũng đã có 195.000 công nhân viên chức lao động bỏ thuốc lá, trên 200.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động giảm hút thuốc lá.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý rằng, công tác PCTH của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi vẫn có đến 43,5% nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của nhiều loại thuốc lá mới; sản phẩm thuốc lá còn dễ tiếp cận.
“Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay và góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thông điệp của Bộ Y tế, nhân dịp Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ quốc gia không thuốc lá, Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2020.
Trong khuôn khổ của buổi Lễ mít tinh, sáng nay, 80 sinh viên Đại học Y tế Công cộng cũng đã diễu hành xe đạp trên các tuyến phố Hà Nội, nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông năm 2020 với chủ đề: Cuộc sống không khói thuốc.
Minh Nhật