Chuyển đổi số y tế: Mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng
(Dân trí) - Việt Nam hiện mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Vì thế, khi chuyển đổi số toàn diện ngành y, mỗi người dân sẽ như có một bác sĩ riêng, một hồ sơ sức khỏe riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia sáng 30/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Làm tốt việc lập hồ sơ sức khỏe toàn dân thì mỗi người dân coi như có một bác sĩ, nói đúng là cả một hệ thống y tế với một nhóm bác sĩ phù hợp để theo dõi và chăm sóc cho mình. Đây là mục tiêu phấn đấu là niềm mơ ước không hề viển vông mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được".
Bên cạnh đó, Theo Phó thủ tướng cần sửa đổi chính sách thanh toán bảo hiểm y tế, không chỉ thanh toán khi người dân ốm vào viện mà thanh toán cả chi phí khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc, để người dân không chuyển sang trạng thái ốm. Hiện quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán chi phí này. Vì thế, sắp tới phải sửa luật Khám chữa bệnh, Bảo hiểm y tế.
"Chúng ta đã quyết liệt triển khai liên thông hơn 40.000 nhà thuốc, phải tiếp tục đẩy mạnh lên. Việt Nam có cái rất mừng, giá thuốc so với các nước trong khu vực ASEAN đã rẻ nhất, 10 năm trước chúng ta đắt thứ 2. Ngoài ra, tỷ lệ thuốc giả kém chất lượng, thuốc giả ở các nước trong khối là 7%, ở Việt Nam chỉ là 2%", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng hiện người dân đang uống kháng sinh quá nhiều. Nếu có quy trình khám bệnh thuận lợi thì người dân sẽ tự nguyện mua theo đơn, thuốc không theo đơn cũng phải được tư vấn để thật sự tiết kiệm.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, mục tiêu của việc chuyển đổi số là hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Tới đây Bộ Y tế cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Về lĩnh vực công khai y tế, tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế lần đầu tiên khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành y tế, đặc biệt là trang thiết bị y tế tránh mua bán lòng vòng thổi giá. Bước đầu, công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế.
Cũng trong đại dịch Covid-19, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này đã vượt trên 1.500 cơ sở.
"Có nơi chưa từng mổ sọ não, muốn mổ phải di chuyển bệnh nhân 6 tiếng nhưng như vậy bệnh nhân sẽ tử vong. Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ được hướng dẫn mổ từ xa, bệnh nhân được mổ ngay tại tuyến dưới, sau 2 tuần rất khỏe mạnh", Bộ trưởng Long dẫn chứng.
Với hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khỏe với 42 chuyên khoa điều trị ngoại trú. Từ tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khỏe cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế chính thức khai trương thêm Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Mạng lưới y tế Việt Nam. Mạng lưới y tế Việt Nam giống như mạng xã hội kết nối tất cả bác sĩ trên cả nước. Bộ Y tế yêu cầu mỗi bác sĩ tuyến trên phải kết bạn, hướng dẫn 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã.
Với ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-70% thời gian để viết, báo cáo dữ liệu giấy, có nơi quản lý 78 cuốn sổ, nơi ít là 35 cuốn, giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Bộ Y tế là đơn vị tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tin trong phòng chống Covid-19. Trong năm 2020, Bộ Y tế tích cực triển khai văn bản điện tử, số lượng gấp 1,5 lần so với năm trước với trên 55.000 văn bản; trên 95% văn bản có chữ ký số; cập nhật 5/5 chỉ tiêu trên hệ thống báo cáo…
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số, thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên. Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Và cũng vì thế mà chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất.
"Y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hóa. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số hóa y tế có thể hiện thực hóa ước mơ này. Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.