Chứng khó nuốt ở người bệnh ung thư

Bùi Thị Kim Huế

(Dân trí) - Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư đôi khi có thể gây ra triệu chứng khó nuốt ở người bệnh.

Nguyên nhân có thể do tác dụng phụ ngắn hạn của một phương pháp điều trị, ví dụ như hóa trị hoặc xạ trị ở vùng cổ họng hoặc ngực. Loét miệng, nhiễm trùng ở vùng miệng hoặc thực quản (ống nuốt đi từ cổ họng đến dạ dày), hoặc một số vấn đề khác cũng có thể gây khó nuốt.

Chứng khó nuốt ở người bệnh ung thư - 1

Các vấn đề về nuốt, hoặc gặp khó khăn trong việc nuốt được gọi là hội chứng khó nuốt (dysphagia). Mặc dù không phải là triệu chứng rất nghiêm trọng, chứng khó nuốt có thể làm giảm hấp thu dinh dưỡng, do đó làm suy giảm thể lực, và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Lựa chọn thực phẩm và chế biến phù hợp, thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp người bệnh ung thư giảm bớt sự khó chịu và những khó khăn về ăn uống do chứng khó nuốt gây ra

Nguyên nhân gây ra khó nuốt

Các vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm một số loại ung thư có thể gây ra khó nuốt. Vấn đề có thể nằm ở chức năng vận động, khi các thông điệp thần kinh để thực hiện hành động nuốt gửi đi từ bộ não không đến được thực quản. Nguyên nhân của điều này là do các bệnh lý hoặc tổn thương ở não hoặc hệ thần kinh, chẳng hạn như đột quỵ, rối loạn hệ thần kinh, hoặc do tác động của một khối u đến não. Nguyên nhân cũng có thể là một tác nhân gây cản trở thức ăn trong quá trình nuốt, chẳng hạn như một khối thức ăn lớn, dị vật, hẹp thực quản hoặc khối u trong thực quản.

Người bệnh ung thư có thể bị khó nuốt do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Ví dụ, những người bị loét miệng (viêm niêm mạc) do hóa trị, điều trị đích hoặc xạ trị vào vùng đầu và cổ có thể bị đau khi nuốt. Nhiều người đang xạ trị vùng đầu và cổ cũng có thể bị khó nuốt do giảm nước bọt gây khô miệng. Các vấn đề khác, chẳng hạn như có quá nhiều nước bọt, nấc, ợ nóng và khó tiêu cũng có thể gây khó nuốt.

Những biểu hiện của khó nuốt

· Nghẹn, ho hoặc nôn khi cố nuốt

· Giảm cân

· Chảy nước dãi hoặc cảm giác có quá nhiều nước bọt (muốn nhổ)

· Ít hoặc không có nước bọt

· Bên trong miệng ửng đỏ hoặc sưng tấy

· Có vết loét trong miệng

· Đau họng hoặc đau giữa ngực khi nuốt

· Cảm giác như thể thức ăn đang mắc lại không xuống được dạ dày

· Có các mảng hoặc một lớp màng trắng phủ bên trong miệng

Những điều người bệnh nên làm để tránh khó nuốt

· Ăn các loại thức ăn nhạt, mềm và mịn nhưng chứa nhiều năng lượng và protein (như súp thịt hầm, bánh pudding, kem, sữa chua và sữa lắc).

Chứng khó nuốt ở người bệnh ung thư - 2

· Ăn từng miếng nhỏ và nuốt hết trước khi ăn miếng tiếp theo.

· Sử dụng ống hút cho thức ăn lỏng, mềm.

· Thử ăn các thức ăn dạng dịch đặc, sánh (như trái cây xay sinh tố, hoặc đồ uống/canh có thêm chất làm sánh), vì chúng dễ nuốt hơn dạng dung dịch loãng.

· Nghiền hoặc xay nhuyễn thực phẩm (như thịt, ngũ cốc, và trái cây tươi) để chúng mềm như thức ăn trẻ em. Đối với thức ăn khô, bạn nên thêm nước vào xay cùng.

· Nhúng bánh mì trong sữa, súp, để làm mềm.

Chứng khó nuốt ở người bệnh ung thư - 3

 Sử dụng thực phẩm lạnh (lạnh giúp giảm đau), thực phẩm mát hoặc hơi ấm. Nếu thực phẩm lạnh khiến người bệnh cảm thấy đau hơn, hãy thử chúng ở nhiệt độ phòng.

Thử dùng đá bào và các loại nước, canh, súp trong bữa ăn.

Những bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ thường xuyên có thể dễ ăn hơn

Nghiền thuốc hoặc viên nén và trộn trong nước trái cây, nước sốt, thạch, hoặc bánh pudding. (Nhưng trước hết hãy hỏi nhân viên y tế hoặc dược sĩ, vì một số loại thuốc có thể gây nguy hiểm nếu bị nghiền nát hoặc vỡ. Hoặc một số loại thuốc khác có thể gây ra tác dụng phụ khi sử dụng chung với một số loại thực phẩm hoặc phải uống khi đói).

Tránh sử dụng rượu và các loại đồ ăn, thức uống cay, nóng

Tránh sử dụng các thực phẩm có tính axit, chẳng hạn như trái cây và đồ uống thuộc họ cam, chanh và nước ngọt có ga.

Tránh các thực phẩm cứng, khô, giòn như bánh quy, các loại hạt và khoai tây chiên.

Ngồi thẳng trong khi ăn, uống và giữ nguyên như vậy trong vài phút sau bữa ăn.

Nếu bạn bị nghẹn, ho, khạc, cảm thấy đau hoặc có vấn đề khác khi nuốt, hãy thử ăn thức ăn mềm hoặc lỏng. Bạn có thể nuốt thức ăn dạng dịch sánh (đặc) dễ dàng hơn dung dịch loãng. Nếu bạn không thể ăn đủ lượng các thực phẩm thông thường để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, hãy sử dụng các loại dịch dinh dưỡng giàu năng lượng và protein.

Nếu bạn khó nuốt do đau miệng, có thể sử dụng gel gây tê hoặc thuốc giảm đau như lidocaine dạng đặc (theo đơn của bác sỹ) hoặc hỏi bác sỹ về việc sử dụng thuốc giảm đau trước khi ăn.

Để giúp cho thức ăn dễ nuốt, hãy thử:

- Gelatin: thường được sử dụng để làm phần đông đặc cho các loại bánh ngọt, bánh quy, bánh mì kẹp, trái cây xay nhuyễn và các thực phẩm lạnh khác. Trộn 1 tách gelatin không mùi với 2 cốc nước nóng (có thể dùng nước thịt, nước súp/canh) cho đến khi hòa tan hoàn toàn; đổ từ từ lên thức ăn. Để yên cho đến khi đông lại.

- Bột năng, bột mì và tinh bột ngô: Sử dụng để làm đặc, sánh. Lưu ý rằng những loại bột này này phải được nấu chín.

- Các chất làm sánh trên thị trường: Làm theo hướng dẫn trên nhãn của nhà sản xuất. Sử dụng để điều chỉnh độ sánh đặc của dung dịch.

- Rau xay nhuyễn và/hoặc khoai tây nghiền: Sử dụng trong súp. Lưu ý rằng những thực phẩm này có thể thay đổi hương vị của thức ăn.

- Bột gạo trẻ em: Dùng để làm thực phẩm rất đặc, quánh.

- Nếu bạn được khuyến nghị sử dụng các loại dịch loãng, hãy thử những thứ sau: cà phê, trà, nước ngọt, dung dịch chất bổ sung dinh dưỡng, kem Ý, đá bào, nước canh, nước hầm.

- Nếu bạn được khuyến nghị sử dụng thức ăn dạng dịch đặc, sánh, hãy thử những thứ sau: sữa nguyên kem, cocktail trứng sữa, sữa lắc, sữa chua lắc, và kem.

Người nhà làm gì để giúp người bệnh?

Cho người bệnh ăn thức ăn mềm, ẩm. Các món trứng chưng hoặc hấp, salad cá ngừ và các loại dịch đặc như sữa chua có thể giúp người bệnh dễ nuốt hơn.

Làm các món tráng miệng mềm, không cần nhai nhiều (như kem, bánh pudding, bánh bông lan).

Sử dụng thịt xay, thịt hầm, hoặc cá. Nước sốt và nước hầm giúp cho thịt dễ nuốt hơn.

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu người bệnh có các triệu chứng sau:

· Nghẹn, ho hoặc nghẹt thở nhiều, đặc biệt là trong khi ăn hoặc uống

· Đau họng nhiều

· Bên trong miệng hoặc trên lưỡi bị đỏ hoặc sưng tấy, bóng hoặc có vết loét.

· Nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường hoặc cao hơn mức cảnh báo của bác sỹ điều trị khi đo đường miệng

· Khó thở

· Cảm thấy bị tắc nghẽn ở ngực

· Cảm thấy thức ăn “dính” vào thực quản không xuống được dạ dày

· Không thể uống thuốc hoặc ăn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm