Chùm bóng bay phát nổ vì bắt lửa tàn thuốc, 3 sinh viên bị bỏng

(Dân trí) - 17h chiều 26/2, ba bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng do bóng bay galaxy phát nổ. BS Trần Duy Hiến, BS trực cấp cứu cho biết, ba bệnh nhân đều bị bỏng ở vùng mặt, hai tay và tóc, lông mày cháy xém.

Cả ba đều là sinh viên đại học. Các em mua bóng bay galyaxy về bán tại cổng trường tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 80.000 – 100.000đồng/quả.

Chiều nay, khi đang bán bóng, số bóng trên gặp lửa tàn thuốc đã phát nổ khiến 3 bạn sinh viên đang cầm bóng bay bị bỏng nặng. Các vết bỏng tập trung chủ yếu vào vùng mặt, đầu, cổ của các bạn sinh viên trên. Ngay lập tức, các nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E. Các bác sĩ đã tiến hành sơ cấp cứu ban đầu để hạn chế mức độ bỏng sâu cho nạn nhân.

Một sinh viên bị bỏng vùng mặt, tay do bóng phát nổ.
Một sinh viên bị bỏng vùng mặt, tay do bóng phát nổ.

Các bạn sinh viên còn lại đưa bạn vào viện cấp cứu cho biết, các em mua bóng tại chờ đấu mối nên cũng biết bên trong quả bóng chứa loại khí nguy hiểm nào. Đến khi tai nạn xảy ra, các em mới biết khí trong bóng có nguy cơ phát nổ.

Được biết, để những quả bóng bay lơ lửng trên không, người bán phải bơm vào bóng khi hydro hoặc khí heli. Heli được cho là an toàn với nhiệt độ, còn hydro khi gặp nhiệt độ sẽ lập tức phát nổ. Vì giá thành chênh lệch, những người bán hàng thường sẽ chọn bơm khí hydro để lợi nhuận cao hơn, đồng nghĩa tính an toàn cho khách hàng không hề được đảm bảo.

Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ có những quả bóng galaxy này, những quả bóng bay thông thường cũng có thể phát nổ nếu bên trong được bơm hydro.

Thực tế, đã có nhiều tai nạn bỏng do bóng bay phát nổ gây ra. Đặc biệt, khi bóng phát nổ thường nổ cộng hưởng từng chùm, gây chấn thương thường ở vùng nguy hiểm là vùng mặt bởi người ta hay cầm bóng ngang tầm mắt.

Bóng bay bơm khí rất dễ phát nổ khi bắt lửa, cọ sát hoặc vào môi trường kín khí.
Bóng bay bơm khí rất dễ phát nổ khi bắt lửa, cọ sát hoặc vào môi trường kín khí.

Có trường hợp, khi vừa lấy cả chùm bóng bay ra khỏi túi bóng thì phát nổ; hay có trường hợp cầm cả chùm bóng từ nơi không gian rộng vào phòng nhỏ đóng kín gây thiếu khí cũng bị phát nổ.

BS Hiển khuyến cáo, tai nạn do phát nổ bóng bay rất nhiều nên các bác sĩ không khuyến khích mọi người chơi với bóng bơm khí, đặc biệt là trẻ em. Bởi bóng này không chỉ có nguy cơ nổ khi gần lửa, mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ; thay đổi môi trường, như lấy bóng từ túi bóng đựng ra; cho bóng vào phòng kín, ô tô… đều có khả năng gây nổ, với áp lực mạnh.

Vì tuy thường không gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ… ảnh hưởng đến thẩm mỹ, để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính.

Hơn nữa, việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối, bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường thời gian rất dài.

Vì thế, khi cho trẻ chơi bóng cần giám sát để tránh xa lửa, chơi quả nhỏ ít một để không gây cọ xát, nổ “cộng hưởng” cả chùm, không mang bóng bơm khí vào trong ô tô. Người bán bóng khi cầm cả chùm bóng lớn cũng phải rất thận trọng khi thay đổi môi trường, cọ xát để phòng nguy cơ nổ.

Không nên mang bóng khí vào ô tô, phòng kín. Việc mang bóng vào ô tô nhiều nhà vẫn chiều con trẻ, rất nguy hiểm bởi môi trường kín, áp lực lớn hơn nên khi xảy ra nổ, sát thương cũng nặng hơn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm