Chữa dứt căn bệnh mang tên “bừa bộn”
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng không gian sống bừa bộn không chỉ gây khó chịu và hao phí sức lực, mà còn khiến cho sức khỏe của bạn sa sút về lâu dài.
Thế nào là “bừa bộn”?
Một đống đồ đạc được xem là bừa bộn với người này lại có thể là cả một “kho báu” giá trị với người khác. Vậy nên, để chữa dứt thói bừa bộn của mình, việc đầu tiên là bạn cần xác định xem thế nào là bừa bộn. “Bạn không thể nhờ người khác định nghĩa sự bừa bộn cho mình”, lời khuyên của chuyên gia Cynthia Townley Ewer đến từ Richland, Washington và là biên tập trang web Organized House.
Peter Walsh là chuyên gia huấn luyện kỹ năng tổ chức cuộc sống và từng là MC của chương trình Clean Sweep trên kênh truyền hình The Learning Channel. Ông phân chia những vật dụng bừa bộn thành hai loại. Thứ nhất là những vật dụng “Ký ức”, gồm những thứ được để lại nhằm nhắc chủ nhân nhớ về những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, chẳng hạn như kỷ niệm ở trường hoặc các mẩu tin tức cần thiết. Còn những vật dụng được xếp loại là “Không lúc này thì lúc khác” là những thứ được bày ra đó nhưng chưa dùng vì bạn nghĩ mình sẽ cần đến chúng vào lúc khác.
“Bạn cần phải tổ chức một cuộc sống cân bằng cho mình”, Walsh nói, “Nếu bạn chất đống chung quanh mình những thứ hoặc kéo bạn về quá khứ hoặc đẩy bạn về phía tương lai vô định, bạn chẳng thể nào sống thoải mái trong hiện tại được”.
Sự bừa bộn có thể khiến cho sức khỏe của bạn sa sút!
Nhiều chuyên gia về kỹ năng tổ chức cuộc sống kể rằng các khách hàng của họ đều phàn nàn giống như nhau về những đống bừa bộn trong nhà mình. Họ cảm thấy mệt mỏi, mất thời gian, đuối sức mỗi khi tìm kiếm những thứ cần dùng; và việc này lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của họ, chẳng hạn như đi làm trễ vì mất quá nhiều thời gian tìm kiếm đồ đạc, không thể di chuyển tự do thoải mái trong nhà vì ở đâu cũng chất đầy những thứ linh tinh.
“Rất nhiều người than phiền rằng họ cảm thấy quá tải”, chuyên gia Lynne Gilberg từ miền Tây Los Angeles, California, “Họ dễ trở nên đuối sức và kém hiệu quả trong mọi việc”. Và khi đó, họ buộc phải tìm đến các chuyên gia như cô với hy vọng giải quyết dứt điểm sự bừa bộn.
Theo chuyên gia Gilberg, sự bừa bộn thực sự có hại cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn. Về mặt an toàn nhà ở, những đồng đồ bừa bộn có thể trở thành những mối nguy hiểm tiềm tàng, dễ bắt lửa gây cháy nhà. Bụi bặm, nấm mốc và côn trùng trú ngụ trong nhà có thể kích thích các cơn dị ứng và hen suyễn.
Chuyên gia Walsh nói rằng các khách hàng của ông luôn miệng than phiền những câu như: “tôi cảm thấy ngộp thở!” hoặc: “Tôi không thể thở được.” Sự bừa bộn cũng là một biểu hiện của những vấn đề về sức khỏe tinh thần. “Những người ưa tích trữ vật dụng gợi nhớ ký ức thường mất nhiều thời gian lo nghĩ về quá khứ và dễ trở nên trầm cảm. Còn những người thích chất đồ ra để dễ lấy khi cần thường là những người hay lo âu và bất an”, Walsh nói tiếp.
Walsh còn viết hẳn một cuốn sách với nhan đề: “Có thật là bừa bộn khiến tôi béo phì?” sau nhiều năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn dọn dẹp nhà cửa và tổ chức cuộc sống. Ông nhận thấy có một mối liên hệ rõ rệt giữa mức độ bừa bộn trong nhà và tình trạng thừa cân của gia chủ. Đó là một công thức dễ hiểu: sự bừa bộn thể hiện một cuộc sống thừa mứa - quá nhiều thứ để dùng, quá nhiều thứ để ăn, ăn hoài không hết.
Bí quyết kiểm soát sự bừa bộn: biết mình muốn gì!
Thay vì chỉ đưa cho khách hàng bản danh sách những việc cần làm và lịch làm việc cụ thể để họ xử lý những đống bừa bộn, Walsh yêu cầu khách hàng của mình phải tự trả lời câu hỏi: “Ngôi nhà của tôi, cuộc sống của tôi, tôi muốn nó trông như thế nào?”. Câu trả lời sẽ là tiêu chí rõ ràng để bạn gìn giữ và không để sự bừa bộn bao trùm cuộc sống của mình.
Chẳng hạn, bạn muốn phòng ngủ của mình phải là một nơi yên tĩnh, giúp bạn thư giãn tuyệt đối để tận hưởng những giây phút lãng mạn bên người bạn đời. Khi đó, bạn sẽ tự thấy mình cần phải chuyển chiếc TV sang phòng khác. Chuyên gia Walsh đề xuất bạn không nên tự hỏi mình rằng: “Tôi cần phải làm gì cho cái nhà này gọn gàng hơn?” mà hãy hỏi: “Tôi muốn nó trông như thế nào?”. Câu hỏi này cho bạn quyền được quyết định, dễ trả lời hơn và giúp bạn dễ dàng nhận ra những gì mình cần làm và không nên làm để không gian sống được tươm tất như mong muốn.
Khó khăn lớn nhất khi dọn dẹp: “Bỏ thì thương, vương thì tội!”
Một trong những kỹ năng hàng đầu để dọn dẹp nhà cửa hiệu quả chính là khả năng quyết đoán. Chuyên gia Townley Ewer nói rằng: “Bừa bộn thực chất là sự chất đống những thứ mà bạn không dám quyết định”, cô nói tiếp, “Giống như khi bạn nhận được một lá thư mới trong hòm thư, bạn phải quyết định xem mình nên giữ lại lá thư hay vứt nó đi cho đỡ tốn chỗ”.
“Thời nay, bạn nên tập thói quen sử dụng Internet để đơn giản hóa cuộc sống của mình”, lời khuyên của Ewer, tác giả cuốn sách “Kỹ năng làm việc nhà hiệu quả: “Hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Mạnh dạn bỏ đi những đống sách báo tạp chí cũ mà không cần phải lo lắng, vì bạn luôn có thể truy lại những bài báo đó trên Internet hoặc ra thư viện mượn sách khi cần”.
Điều mấu chốt ở đây là, bạn phải thiết lập một giao kèo với chính mình. Chấp nhận có mới nới cũ để đảm bảo sự gọn gàng. Nếu bạn mua quần áo mới, hãy dọn bớt vài bộ cũ. Chính bản thân Ewer cũng phải nghiêm khắc với chính mình vì cô là một tín đồ của áo len thời trang. Cô đặt ra quy tắc rằng cứ mỗi khi mua một bộ áo len mới, cô sẽ phải đem cho từ thiện hai bộ đã có. “Từ khi tôi tập thói quen đó, tôi không còn dám mua sắm thừa thãi nữa”, Ewer chia sẻ.
Tập thói quen ngăn nắp gọn gàng: từ từ từng chút một!
Chỉ cần nhắc đến chuyện dọn dẹp nhà cửa là nhiều người trong chúng ta thấy ngán ngẩm vì có quá nhiều thứ để lau dọn. Và việc nhà là loại công việc làm mãi chẳng xong. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự ngăn nắp gọn gàng thực chất không đòi hỏi bạn phải căng thẳng đến thế.
Bí quyết ở đây là bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất: mỗi lần dọn dẹp, bạn chỉ cần xử lý một căn phòng, hay chỉ một kệ sách là đủ. Nếu bạn muốn lau dọn các ngăn tủ, “đừng ôm cả đống ngăn tủ một lúc”, chuyên gia Gilberg khuyên, “Làm như thế không mệt mới lạ.” Thay vào đó, việc đầu tiên bạn nên làm là vứt đi những thứ không dùng nữa trong ngăn tủ, sau đó chọn ra những thứ mà bạn có thể đem cho người khác.
Chữa dứt căn bệnh mang tên “bừa bộn”
Việc phải quyết định xem cái gì cần giữ, cái nào nên bỏ thực sự không đơn giản, nên các chuyên gia đề xuất bạn nên thiết lập ra những tiêu chí để quyết định. Chẳng hạn khi dọn dẹp các tủ quần áo, bạn có thể quy định rằng mình sẽ mạnh dạn bỏ những chiếc áo hay chiếc quần đã bị sờn rách hoặc bị dính bẩn mà không tẩy rửa được, hoặc bạn sẽ đem cho người khác những bộ quần áo nào mình đã không hề mặc trong sáu tháng. Sau khi đã xử lý những bộ quần áo cần bỏ bớt, công việc dọn dẹp còn lại của bạn sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Sau khi đã dọn dẹp xong những đống bừa bộn, giờ là lúc bạn chuyển sang việc sắp xếp và bảo quản đồ đạc. Hãy lên lịch cho bản thân mình, chẳng hạn như bao lâu cần phải dọn dẹp chỗ này hoặc chỗ kia một lần. Gilberg khuyên rằng: “Hãy đánh dấu các ngày dọn dẹp lên tờ lịch nhà bạn.” Còn nếu bạn sử dụng lịch điện tử trong các thiết bị công nghệ, hãy thiết lập các ngày dọn dẹp và đặt chế độ nhắc nhở giống như đặt báo thức vậy.
Lợi ích của sự ngăn nắp, gọn gàng
Theo các chuyên gia, khi một người tập được thói quen ngăn nắp gọn gàng, họ cũng học được cách chăm sóc bản thân tốt hơn. Họ bắt đầu có thái độ lạc quan tích cực về mọi việc vì không còn phải suốt ngày chạy vắt giò lên cổ để tìm kiếm đồ đạc hay những tờ hóa đơn thất lạc.
“Khi người ta học được cách tổ chức cuộc sống hiệu quả, họ cũng trở nên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn”, nhà trị liệu tâm lý Cindy Glovinsky đồng tình. Chưa kể, khi bạn giải quyết được những sự bừa bộn trong cuộc sống hàng ngày của mình, bạn sẽ có thời gian để làm những việc khác quan trọng hơn. Một khách hàng của Glovinsky, một nữ giáo sư luôn cảm thấy khổ sở trong công việc, đã học được cách làm việc hiệu quả hơn và được thăng chức kể từ khi tập thói quen ngăn nắp gọn gàng. Một khách hàng khác của Glovinsky bị trầm cảm vì tình trạng thừa cân béo phì của mình do thường xuyên ở trong nhà và ít đi lại. Kể từ khi học cách kiểm soát sự bừa bộn và sống ngăn nắp hơn, cô này cũng tìm được cho mình một công việc mới thú vị: trở thành thành viên điều hành của một câu lạc bộ bổ ích trên mạng.
“Khi người ta nhận ra rằng mình có khả năng kiểm soát một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống - chẳng hạn như sự ngăn nắp gọn gàng, họ cũng sẽ biết cách kiểm soát và hành động hiệu quả ở mọi công việc hay lĩnh vực khác” - Glovinsky kết luận.
Tóm lại, một khi bạn kiểm soát được sự bừa bộn và tập thói quen ngăn nắp gọn gàng, bạn sẽ thấy, thái độ, tinh thần và sức khỏe của mình cũng được cải thiện đáng kể từ đó.
Theo Phan Nguyễn Khánh Đan
WebMD/Sức khỏe đời sống