1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chưa đến 20% hộ nuôi tôm ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm

(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất (Đề án 2419).

Một vụ bắt tôm tạp chất ở Bạc Liêu vừa qua.

Theo báo cáo, sau 2 năm thực hiện Đề án 2419 của 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, cho thấy chỉ có 85.338/430.022 cơ sở nuôi ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu (chưa đến 20%); có 2.804 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến (100%) ký cam kết không thu mua tạp chất.

Qua kiểm tra, phát hiện 177 vụ vi phạm về hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, xử phạt với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu; còn tỉnh Sóc Trăng không phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào trên địa bàn.

Ngoài ra, chưa có trường hợp nào được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động,… Bên cạnh đó, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với chính quyền cấp huyện, xã để xảy ra vi phạm về tạp chất vẫn chưa được thực hiện quyết liệt.

Chưa đến 20% hộ nuôi tôm ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm - 1
Chưa đến 20% hộ nuôi tôm ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm - 2

Sở NN&PTNT bắt một điểm tôm bơm tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, mặc dù đã tổ chức 100% cơ sở thu mua, sơ chế ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, nhưng việc tuân thủ theo cam kết chưa triệt để, vẫn còn nhen nhóm tình trạng, kể cả có doanh nghiệp tổ chức bơm tạp chất vào tôm.

Nhiều địa phương cũng nhìn nhận, vẫn còn bất cập trong việc thực hiện Đề án 2419, như: Có đoàn kiểm tra đến cơ sở, chủ cơ sở chỉ đưa bảo vệ ra tiếp, đến khi vào được nhà máy thì không phát hiện tôm tạp chất nữa dù tin báo trước đó là có; cơ sở thu mua tôm nhỏ lẻ nằm ở vùng nông thôn sâu, lực lượng mỏng nên phát hiện chưa kịp thời; nạn bơm chích tạp chất không còn công khai, phổ biến mà chỉ tập trung ở các điểm nhỏ lẻ, vùng giáp ranh giữa các tỉnh, hoạt động lén lút, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm nên gây khó cho hoạt động kiểm tra;…

Theo cơ quan Bộ NN&PTNT nhận định, đến nay gần như bất cứ ai cũng hiểu hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là sai, gây phương hại đến an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, có lúc, có nơi do hám lợi nên hành vi này vẫn chưa được đẩy lùi.

Cận cảnh chất tạo đặc CMC.
Chưa đến 20% hộ nuôi tôm ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm - 3
Chưa đến 20% hộ nuôi tôm ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm - 4

Tạp chất được bơm thường là chất Agar hay bột CMC (trong ảnh) là những chất dùng để tạo đặc khi bơm vào tôm nhằm tăng trọng lượng.

Theo các địa phương, mục tiêu của Đề án 2419 là đến cuối năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị, thời gian tới các địa phương kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm; cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm