Chưa bệnh nhân nào khỏi nhờ thuốc đông y trị ung thư
Trong quá trình thâm nhập tìm hiểu về những ông lang có cách chữa bệnh kỳ quái, tôi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư tìm đến những ông lang này như một cứu cánh nhưng chưa bệnh nhân nào khỏi được ung thư nhờ những thang thuốc của họ.
Bệnh ung thư chỉ chữa khỏi khi phát hiện sớm và bằng phương pháp Tây y
Phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã muộn, di căn, khó có khả năng sống sót, dù được điều trị tích cực tại bệnh viện bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, khiến người mắc bệnh ung thư mất hết niềm tin vào khoa học.
Vì lý do đó, họ đi tìm một chỗ dựa tinh thần, và những ông lang có cách chữa bệnh kỳ bí, mang màu sắc tâm linh dễ khiến họ tin theo. Người bệnh chỉ còn biết trông cậy vào một sự thần kỳ để giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng, tuyệt vọng. Đó chính là nguyên nhân mà những ông lang vườn có thể vẫn có "đất" hành nghề.
GS-TSKH Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, là người bỏ nhiều thời gian nghiên cứu những bài thuốc đông y chữa trị ung thư. Theo GS Trung, đúng là một số bài thuốc đông y có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, và ông nhấn mạnh chỉ là hỗ trợ điều trị, chứ đông y không thể chữa khỏi hẳn được căn bệnh này như phần lớn những ông lang vẫn quảng cáo.
Những bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị, hoặc uống thuốc Tây, cảm thấy cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, khó thở, vì lượng hồng cầu sụt giảm rất nhiều. Trong khi đó, “bài thuốc trị ung thư” của các ông lang chủ yếu là thuốc mát, bổ, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thậm chí tăng lượng hồng cầu.
Vì vậy, người mắc bệnh ung thư, không điều trị ở bệnh viện nữa mà đi uống thuốc “mát, bổ” của các ông lang, sẽ thấy cơ thể dễ chịu tạm thời. Điều nghiêm trọng là, do thiếu hiểu biết nên bệnh nhân tưởng rằng thuốc của những ông lang này là “thần dược”, nếu uống đều đặn sẽ khỏi bệnh.
Niềm tin của người bệnh trong hoàn cảnh đó cũng có tác dụng khiến người bệnh phấn chấn hơn. Thế nên, các ông lang thường khẳng định bệnh nào họ cũng chữa được và chữa cho ai cũng khỏi, chỉ có điều người bệnh phải có niềm tin tuyệt đối vào thuốc và phác đồ điều trị của họ.
Nguy hại ở chỗ, lời đồn về những ông lang vườn lan truyền rất nhanh, khiến người bệnh nhìn nhận họ như “thần y”, có khả năng chữa bách bệnh. Niềm tin ấy khiến người bệnh không đến bệnh viện điều trị nữa mà cứ theo đuổi phương pháp điều trị của lang vườn, để rồi tiền mất, tật mang.
Khi nhận ra những bài thuốc của lang vườn không thể chữa trị được bệnh, gia đình họ mới đưa đến bệnh viện thì đã muộn, khối u đã di căn đi khắp cơ thể, hạch đã nổi khắp nơi. Khi đó, dù điều trị bằng phương tiện hiện đại, cũng không có nhiều hiệu quả.
Bệnh ung thư không nguy hiểm nếu phát hiện sớm
GS Phạm Thụy Liên cho biết, nền y tế nước ta chưa coi trọng việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó, phần lớn bệnh nhân ung thư khi phát hiện đều đã ở giai đoạn cuối, nên dù có điều trị vẫn khó có thể cứu được người bệnh.
Theo GS Liên, có tới 200 loại ung thư được phát hiện. Trong đó, khó chữa nhất là ung thư tụy, máu, phổi, gan, thực quản, phế quản… Phần lớn các loại ung thư đều có thể chữa được, thậm chí chữa khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm, bệnh chưa di căn. Như vậy, bị ung thư chưa phải đã hết.
Ông Liên ví dụ, như người Nhật được tuyên truyền đầy đủ về bệnh ung thư và mỗi người dân đều quan tâm tìm hiểu, do đó, họ phát hiện bệnh ung thư rất sớm.
Ở Nhật, 70% số người mắc bệnh ung thư được cứu sống, nhưng không phải vì họ có hệ thống điều trị bệnh ung thư hiện đại nhất thế giới, mà là họ đặt việc chẩn đoán bệnh, khám lâm sàng lên vị trí quan trọng nhất.
Ung thư dạ dày rất nguy hiểm, thế nhưng, người Nhật đã cứu sống 50% số bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, do phát hiện sớm và mổ nội soi. Còn ở nước ta, nói ra thật bi kịch, phần lớn bệnh nhân ung thư dạ dày bị chết, mà nguyên nhân là do phát hiện muộn.
Theo GS Liên, nếu mọi người thấy đau ở dạ dày, đi chẩn đoán bằng x-quang, nội soi sẽ phát hiện dễ dàng. Với phương tiện ở bệnh viện huyện cũng phát hiện được và một bác sĩ phẫu thuật giỏi có thể mổ và cắt phéng khối u, xử lý dứt điểm căn bệnh này.
Bản thân GS Liên cũng bị ung thư vòm họng. Ông kể, hồi đang ngồi họp ở Hội Ung thư, ông thấy cộm ở họng, liền sờ nắn và phát hiện ra cục u bằng hạt ngô. Ông liền bảo với mọi người rằng, có lẽ mình bị ung thư rồi. Mấy giáo sư, tiến sĩ cười tưởng ông nói đùa.
Chỉ mất 15 phút chiếu chụp bằng máy x-quang, các bác sĩ đã phải công nhận ông bị ung thư vòm họng. Mặc dù ung thư đã di căn, nhưng do mới di căn nên ông lập tức được tiến hành phẫu thuật, rồi xạ trị trong vòng một tháng. Do phát hiện sớm, điều trị kịp thời nên 15 năm nay ông vẫn sống khỏe mạnh và hiện tại ông đã 86 tuổi.
Từ câu chuyện của bản thân GS Liên có thể thấy rõ, căn bệnh ung thư sẽ không phải quá nguy hiểm nếu phát hiện sớm. Chẳng hạn, bệnh ung thư da, nếu để ý một chút thì rất dễ phát hiện và nếu phát hiện sớm thì chỉ cần xạ trị vài lần là khỏi.
Ung thư vú dễ phát hiện nhất. Chỉ cần thấy có khối u lạ là phải đi khám và phẫu thuật ngay lập tức. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời, người bệnh sẽ khỏe mạnh bình thường.
Thế nhưng, thật buồn khi hàng trăm bệnh nhân ung thư vú lại tìm lên Vĩnh Phúc nhờ ông lang Phùng Đắc Chung chữa trị bằng… kim nhọn và đắp thuốc. Do nhận thức thấp nên mỗi năm, ở nước ta, bệnh ung thư vú đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều phụ nữ.
GS-TSKH Lê Thế Trung lại coi trọng nhất việc phòng bệnh. Theo ông, tất cả các nước có nền y học hiện đại, sau bao nhiêu phát minh, sáng chế ra các loại máy móc điều trị hiện đại, nhưng cuối cùng họ vẫn nhận ra rằng biện pháp phòng là tốt nhất.
Đó cũng không phải ý tưởng mới mẻ gì. Người xưa cũng đã nói: “Đừng để khi khát nước mới đào giếng, khi giặc đến mới đúc vũ khí, khi có bệnh mới phòng chữa”. Lời răn này đúng với mọi loại bệnh, nhưng vô cùng thấm thía với bệnh ung thư.
Bệnh ung thư nhiều khi bắt nguồn từ những chuyện rất đơn giản. Những vết bỏng, vết loét không được điều trị kịp thời, gây viêm nhiễm lâu ngày có thể sẽ thoái hóa thành ung thư. Rồi viêm loét dạ dày, không chữa trị kịp thời, để dạ dày chịu đau dai dẳng, lâu dần sẽ bị ung thư. Các bệnh như xơ gan, viêm gan B… cứ để lay lắt, cũng có thể ung thư hóa. Lúc này, có chữa cũng không kịp nữa.
Theo GS Trung, 80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở. Do đó, ăn sạch, uống sạch, sống ở môi trường trong sạch sẽ hạn chế được 80-90% nguy cơ mắc bệnh ung thư.
GS Phạm Thụy Liên và GS Lê Thế Trung khuyên bệnh nhân ung thư trong cả nước, nếu phát hiện tình trạng bất thường trong cơ thể, cần lập tức đi khám bệnh để tìm nguyên nhân. Khi phát hiện bệnh ung thư thì phải lập tức vào viện điều trị, không được tin vào lời đồn và lời quảng cáo của những ông lang vườn kẻo tiền mất và tính mạng cũng không giữ được.
Theo Phạm Ngọc Dương
VTC