Chú ý khi cho trẻ ngậm núm vú giả
(Dân trí) - Bú mẹ là bản năng của mỗi một em bé mới chào đời. Ngoài thời gian bú, nhiều người mẹ cho con mình ngậm vú giả. Nếu con bạn cũng “nghiền” núm vú giả, thì bạn hãy chú ý nhé!
1. Lợi ích
- Ngậm vú giả làm trẻ hết khóc. Một số trẻ thích ngậm gì đó giống như vú mẹ, nên có thể làm trẻ nín khóc khi cho ngậm núm vú giả.
- Làm quên đi cơn đói. Khi trẻ đói, mà chưa cho bú kịp hoặc chưa pha sữa kịp, có thể tạm thời cho trẻ ngậm núm vú giả.
- Giúp trẻ ngủ. Khi trẻ hay khóc, khó ngủ, núm vú giả cũng là một giải pháp.
- Giảm nguy cơ tử vong đột biến của trẻ (SIDS). Các nhà nghiên cứu thấy rằng cho trẻ ngậm núm vú giả trong “cữ” có thể làm giảm nguy tử vong đột biến.
- Bỏ đi dễ dàng. Khi thấy “hết thời hạn” cần thiết ngậm vú giả, bạn có thể vứt đi dễ dàng. Nếu như trẻ thích ngậm ngón tay, thì việc bỏ thói quen khó khăn hơn nhiều.
2. Bất lợi
- Cho ngậm núm vú sớm ảnh hưởng đến việc bú mẹ. Ngậm núm vú giả và bú mẹ, bú bình vẫn khác nhau. Một số trẻ “lúng túng” không biết cách bú mẹ chỉ vì cho ngậm núm vú giả sớm quá.
- Trẻ phụ thuộc vào núm vú giả. Nếu như trẻ cần núm vú giả để ngủ, thì đêm đêm chắc bạn sẽ bị thức giấc khi núm vú tuột khỏi miệng trẻ.
3. Chú ý khi cho trẻ ngậm núm vú giả
- Chờ đợi khi việc cho trẻ bú mẹ ổn định. Không nên cho trẻ ngậm núm vú giả ngay sau khi chào đời, hãy chờ đợi khi bạn đã thiết lập một chế độ bú đều đặn. Phải mất vài tuần, khoảng một tháng sau đó mới nên cho ngậm.
- Tập cho trẻ quen dần. Nếu như trẻ “có ý” không thích ngậm núm vú giả, hãy thử lại sau đó, hoặc “quên” hẳn nó đi nếu như trẻ không muốn. Không nên bắt ép trẻ.
- Chọn núm vú giả cẩn thận. Một số núm vú giả không chắc chắn, khi trẻ ngậm lâu có thể bị gãy, đứt thành hai mảnh, khiến trẻ bị ngạt thở.
- Dự phòng. Nên mua một vài núm vú giả giống nhau để thay thế khi bị mất. Trẻ rất nhạy cảm, khó chấp nhận kiểu khác thay thế.
- Giữ sạch sẽ. Trước khi cho trẻ ngậm, nhớ rửa sạch bằng nước nóng để tiệt trùng. Rồi sau đó để khô rồi mới cho ngậm. Tuyệt đối không để núm vú tiếp xúc với miệng của bạn vì như vậy vô tình bạn truyền vi khuẩn sang bé.
- Thay thế kịp thời. Không thể dùng mãi mãi một cái, hãy kiểm tra, thay thế liên tục. Những núm vú bị mòn, bị đứt, hỏng có thể gây hại cho trẻ.
- Không làm mất giấc ngủ của trẻ. Nếu như núm vú tuột khỏi miệng khi trẻ đang ngủ, không nên cho lại vào miệng, trừ khi trẻ khóc
- Biết thời điểm nên dừng. Hầu hết trẻ thường “cai” núm vú vào khoảng tầm 2 - 4 tuổi.
Việc cho trẻ ngậm núm vú giả hay không là phụ thuộc vào bạn cũng như bé của bạn. Nhưng nếu như bé của bạn thường xuyện ngậm núm vú thì bạn hãy cẩn thận lưu ý, vì sức khoẻ của con yêu.
Ngọc Bích
Theo MSN