Chủ spa bị "băm nát" mũi sau 9 lần nâng cấp sửa chữa
(Dân trí) - Lần đầu tiên nâng mũi chị Hương (35 tuổi, Quảng Ninh) thấy ổn, nhưng vì muốn thay đổi dáng chị tiếp tục sửa mũi. Thế nhưng sửa đi sửa lại, chị vẫn thấy không ưng, mũi bị viêm, sẹo dày đặc ở đầu mũi.
Làm chủ một spa tại Quảng Ninh, năm 2013, chị Hương quyết định đi nâng mũi để bản thân đẹp hơn, tự tin hơn. Lần đầu làm chị thấy ổn nhưng muốn thay đổi dáng nên chị tiếp tục sửa.
Nhưng sửa đi sửa lại chị vẫn thấy không ổn, mũi còn bị viêm tái phát nhiều lần. Chị cứ đi làm một thời gian, gom được một khoản tiền lại đi sửa mũi. Ngoài tìm đến các bác sĩ, có 5 lần chị làm ở spa không có chuyên môn y tế, dẫn đến viêm nhiễm biến chứng nặng nề.
"Tính sơ sơ, tôi cũng phải đi sửa mũi 8 lần, chưa tính những lần rút sụn mũi ra không nâng phục hồi. Lần thứ 9, mũi bị viêm nên tôi tìm đến một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để tháo sụn, cấy mỡ", chị Hương kể lại.
9 tháng sau khi cấy mỡ, chị được chỉ định nâng mũi sụn sườn tự thân. Lần này chị tự nhủ sẽ là lần cuối cùng.
"Chúng ta nên biết cách hài lòng, đừng ham cao thêm một tí, hay muốn giống người khác mà sửa lại nhiều lần để rồi phải giống tôi. Tôi sửa đến 8-9 lần và chỉ mong quay về dáng mũi lần đầu", chị Hương bùi ngùi nói.
TS.BS Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, bác sĩ phải chờ mũi bệnh nhân ổn định mới sửa tiếp để tránh tình trạng viêm tái phát như những lần trước.
Theo BS Hải, độ khó của ca tạo hình mũi này là 9/10 vì khách hàng đã sửa mũi 9 lần, da vùng mũi có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, da mũi bị co cứng vì quá nhiều xơ do phẫu thuật bóc tách nhiều lần.
Thứ 2, các bác sĩ thẩm mỹ luôn đi theo đường mổ cũ, tôn trọng giải phẫu, giảm thiểu sẹo khi phẫu thuật. Tuy nhiên, khi làm ở spa họ thích đi đường nào thì đi nên vùng đầu mũi của bệnh nhân có rất nhiều đường sẹo.
Thứ 3, việc bóc tách trong khoang mũi không đúng lớp nên gây lồi lõm.
Thứ 4, những lần sửa mũi trước đó của bệnh nhân do sử dụng vật liệu không phù hợp dẫn đến tiêu mất sụn vách ngăn chính mũi, gây thủng vách ngăn, mỏng niêm mạc mũi, gây chít hẹp khó thở.
Thứ 5, phẫu thuật tại spa gây tổn thương sụn cánh mũi, làm cánh mũi co sập, sau đó chống chỉ định đặt silicon vào vùng cánh nhưng các spa vẫn đặt vào đó.
Để khắc phục, bác sĩ dùng sụn sườn dựng lại vách ngăn, bóc tách chuyển niêm mạc mũi làm rộng đường thở trong mũi, bóc tách xơ làm mềm da, giãn da vùng mũi.
Đồng thời ghép sụn sườn tạo sụn cánh mũi, đặt sống mũi, kết hợp bọc cân làm dày lên vùng da mũi, đặt ống nong rộng ngách mũi, lỗ mũi. Ca tạo hình mũi kéo dài đến 6 giờ.
"Trước khi quyết định nâng mũi, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về quy trình phẫu thuật, các phương pháp, kỹ thuật khác nhau. Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn và hiểu rõ hơn về kết quả cũng như rủi ro có thể xảy ra", BS Hải cho biết.
Theo ông, điều quan trọng nhất là tìm một bác sĩ phẫu thuật chuyên về nâng mũi, có kinh nghiệm, uy tín.
Trước khi phẫu thuật, bạn hãy thảo luận chi tiết với bác sĩ về mong muốn, kỳ vọng của bạn về kết quả. Đồng thời, thảo luận về rủi ro, biến chứng có thể xảy ra. Điều này giúp bạn chuẩn bị tinh thần và có kế hoạch hồi phục phù hợp.
BS Hải cho biết thêm, nếu bạn đã nâng mũi, sau đó gặp phải viêm, việc sửa quá nhiều lần có thể gây ra nhiều vấn đề không tốt cho quá trình hồi phục. Viêm là một dạng vi khuẩn hoặc nhiễm trùng xảy ra trong vùng nâng mũi, cần được điều trị.
Vì thế, trước khi xem xét việc sửa chữa tiếp theo, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị vấn đề viêm mũi hiện tại.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.