1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chủ quan với sỏi thận, người đàn ông ngoài 40 tuổi phải chạy thận suốt đời

Nam Phương

(Dân trí) - Bị sỏi thận nhưng không đi khám mà uống thuốc lá, chỉ đến khi đau không chịu được, người đàn ông ở Lào Cai mới đi khám thì hai quả thận đã sưng to như trái dừa, đầy mủ đặc quánh.

Bệnh nhân bị sỏi thận đã lâu nhưng không điều trị. Thay vào đó, nghe mọi người mách anh chỉ mua lá mã đề, râu ngô sắc về uống hàng ngày. Sau đó thi thoảng anh có những cơn đau thoáng qua ở vùng hố chậu nhưng vì là người chịu đau tốt nên anh không quan tâm. Gần đây, cơn đau trở nên dữ dội hơn, đái ra máu anh mới chịu đến Bệnh viện E (Hà Nội). 

Tại bệnh viện, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có sỏi san hô kích thước lớn ở hai thận. Hình ảnh siêu âm cho thấy hai thận ứ nước độ 4, ứ mủ. 

“Chúng tôi phải mổ cấp cứu và thực sự ái ngại khi nhìn thấy hai thận của bệnh nhân to như quả dừa. Chọc dẫn lưu hút ra hơn lít mủ dạng nhầy như thạch, quánh đặc từ thận người bệnh”, Ths. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết. 

Chủ quan với sỏi thận, người đàn ông ngoài 40 tuổi phải chạy thận suốt đời - 1
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh nhân bị sỏi thận lâu ngày tắc nghẽn, lắng đọng. Thận của bệnh nhân đều hỏng gần hết. Theo BS Liên, bệnh nhân bị sỏi cả hai thận nên bắt buộc phải giữ lại. Nếu sau thời gian điều trị mà thận không hồi phục thì chắc chắn bệnh nhân sẽ phải chạy thận suốt phần đời còn lại. Ở trường hợp này, khả năng này rất lớn.

Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc là 2 trên 1.000 người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ thói quen tự chữa bệnh bằng cách “rỉ tai”, “truyền miệng” hoặc tìm đến thầy lang bốc thuốc khiến cho bệnh trở nên trầm trọng. Phổ biến nhất là người dân hay uống các loại lá, cây, cỏ theo kinh nghiệm dân gian để tự chữa sỏi thận. 

Tuy nhiên, nhiều người không hiểu có những sỏi sau uống thuốc lá một ngày có thể đái ra được nhưng có những loại sỏi uống hàng tấn thuốc cũng không thể ra. Hay có những loại sỏi dù rất nhỏ nhưng có mảng bám gai xương rồng cắm vào mô của thận, hay niêm mạc của niệu quản thì không bao giờ ra được dù rất nhỏ. Thậm chí có những sỏi đã canxi hóa không bào mòn được thì sẽ gây hỏng thận một cách rất nhanh chóng, BS Liên phân tích.

“Nhiều người sau thời gian uống thuốc lá thấy những cơn đau giảm đi hoặc đái được ra sỏi cứ ngỡ là khỏi. Hậu quả là lâu ngày sỏi nhỏ tích tụ thành sỏi to. Về lâu về dài thận sẽ hỏng hoặc một số trường hợp sỏi càng ngày càng to lên gây viêm nhiễm, nhiều trường hợp biến chứng chuyển thành ung thư trên sỏi thận”, BS Liên cảnh báo. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi thận, chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày như uống ít nước, thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi. 

Người bị sỏi thận thường xuất hiện cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ sát làm tổn thương đường tiết niệu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu. 

Tiểu ra máu là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác. Người mắc sỏi thận cũng có biểu hiện tiểu dắt, tiểu són, bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít. 

Để phòng sỏi thận người dân cần uống đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành cần khoảng 2 - 3 lít nước mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, người Việt nên bỏ thói quen ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hàng ngày. 

Ngoài ra, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ. Khi có biểu hiện đau lưng, đau hố thắt lưng, đau dữ dội kèm đái ra máu…thì phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.