Chủ quan với ngứa âm hộ khiến ung thư di căn
Nhiều người chủ quan với ngứa âm hộ không đi khám, đến khi loét bề mặt, thấy khối u, đi khám thì đã bị ung thư. Bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm khả năng chữa khỏi cao 90%.
Những yếu tố liên quan
Ung thư âm hộ là loại ung thư ít gặp, chiếm từ 3-5% các ung thư sinh dục nữ, xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi, thường gặp nhất ở lứa tuổi 65-75, nhưng cũng đã thấy ở người chưa mãn kinh. Nguyên nhân mắc bệnh chưa rõ nhưng có những yếu tố liên quan.
Những khối u biểu mô bên trong biến chuyển thành yếu tố tiền ung thư trong da âm hộ. Khối u này ban đầu có thể chưa phải là ung thư nhưng nó có thể tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu bị các khối u này thì cũng đừng quá lo lắng, vì đa số các trường hợp chỉ là lành tính.
Các triệu chứng thường gặp nhất là ngứa. Vùng bị khối u biểu mô có thể sưng lên với vùng da dày và đỏ, với những vết đốm có màu trắng nhợt hơn hoặc sẫm hơn.
Virus gây u nhú HPV được nghĩ như một nguyên nhân gây bệnh. Khoảng từ 3-5/10 trường hợp ung thư âm hộ có nguyên nhân từ virus HPV lây truyền qua đường tình dục. Nghiện thuốc, bệnh da và viêm mạn tính.
Ngoài ra, có thể do một số chất khử mùi, xà phòng thơm, chất xịt vệ sinh có chứa những chất hóa học gây ung thư. Sử dụng nước để vệ sinh không sạch tạo nên tác nhân kích thích gây ngứa gãi.
Những người âm hộ dễ bị ẩm ướt như mắc bệnh són đái, mặc quần áo lót có chất nhuộm hay bằng vải tổng hợp gây kích thích, mặc quần áo lót bó sát gây nên hạn chế thông thoáng khí cũng chính là nguyên nhân gây bệnh.
Hơn nữa, trong những tài liệu y văn cổ, người ta nhận thấy có khoảng 30-50% bệnh nhân ung thư âm hộ có mắc bệnh giang mai, bệnh u hạt hay hoa liễu.
Điều trị phụ thuộc và giai đoạn bệnh
Triệu chứng sớm của bệnh hay gặp là ngứa âm hộ một thời gian dài, có liên quan đến các tổn thương tiền ung thư. Về sau bệnh nhân có thể có chảy máu, chảy dịch khi có loét bề mặt, muộn hơn có đái khó và đau. Bệnh nhân thường tự thấy khối u, khi để muộn có thể sùi thành khối lớn.
Hiện còn nhiều bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn do ngại đi khám hoặc đi khám nhưng thầy thuốc không có kinh nghiệm trong việc phát hiện các tổn thương sớm. Khám thực thể thấy tổn thương nổi gồ, có thể đỏ tươi, loét, hoặc có những mảng trắng hoặc có những nụ sùi.
Hầu hết ung thư âm hộ biểu hiện đơn ổ trên bệnh nhân đã mãn kinh thường liên quan đến các tổn thương mạn tính ở âm hộ. Có khoảng 5% biểu hiện đa ổ thường ở những phụ nữ trẻ.Vị trí thường gặp ở môi lớn (50%), sau đó là môi nhỏ (15-20%) và sau cùng là âm vật.
Để chẩn đoán sớm, trước một tổn thương âm hộ, thầy thuốc cần bấm sinh thiết. Sử dụng máy soi cổ tử cung sau khi chấm axit acetic 3-6% và đợi 5 phút giúp quan sát tốt hơn để chọn vị trí sinh thiết, đặc biệt ở những phụ nữ có các tổn thương rộng.
Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Trường hợp xâm lấn chỉ tại bề mặt (≤ 1 mm) chỉ cần cắt rộng u, nếu u rộng thì cắt u kết hợp với vét hạch bẹn + đùi và xạ trị. Đối với một số bệnh nhân không thể phẫu thuật triệt căn hoặc không thích hợp với phẫu thuật hoặc do vị trí bệnh hoặc bệnh lan rộng hoặc do điều kiện sức khoẻ không cho phép, có thể xạ trị đơn thuần hoặc hoá xạ trị đồng thời với liều xạ không quá 65 Gy.
Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng di căn hạch bẹn là yếu tố tiên lượng quan trọng. Những bệnh nhân bệnh mổ được, chưa di căn hạch bẹn, tỷ lệ sống 5 năm tới 90%. Trái lại những bệnh nhân đã có di căn hạch bẹn, tỷ lệ sống 5 năm chỉ đạt 50-60%. Khi đã di căn tới hạch chậu, tỷ lệ sống chỉ còn 11%.
Kích thước u cũng là yếu tố tiên lượng độc lập. Kích thước u càng lớn khả năng tái phát cao hơn, tiên lượng xấu hơn. Sau điều trị bệnh nhân cần khám định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng/lần trong năm thứ ba, sau đó 1 năm/lần. Phát hiện tái phát sớm rất quan trọng bởi có thể điều trị triệt căn tiếp bằng phẫu.
BS Tuấn Anh, Bệnh viện K
Theo Khoa học và đời sống