Chồng mắc loại ung thư này, vợ cũng sẽ có nguy cơ khởi phát cao
(Dân trí) - Đối với một số loại ung thư, khi người chồng mắc bệnh thì người vợ cũng có nguy cơ cao khởi phát loại khối u tương tự (hoặc ngược lại).
Ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng các cặp vợ chồng lại có xu hướng cùng mắc 1 loại ung thư như nhau. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở một số loại ung thư, mà yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết đến lối sống hoặc các tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền thông qua tiếp xúc.
Chế độ ăn quyết định đến rủi ro khởi phát của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày. Ví dụ, nếu thực đơn ưa thích của một gia đình là thực phẩm nhiều muối, đồ chiên, nướng, đồ hộp, thịt chế biến sẵn… thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày của các thành viên sẽ tăng cao.
Bên cạnh chế độ ăn, nguyên nhân khiến ung thư dạ dày dễ khởi phát ở cả vợ lẫn chồng còn đến từ một loại vi khuẩn mang tên Helicobacter pylori (HP).
Tỷ lệ người Việt nhiễm khuẩn này rất cao. Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây, tỷ lệ này có thể lên đến 70%.
Vi khuẩn HP tác động gây ung thư dạ dày thông qua nhiều cơ chế: gián tiếp qua việc gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, do tác động trực tiếp của vi khuẩn lên từng tế bào, và kết hợp với các yếu tố môi trường và của người bệnh quyết định khả năng phát triển khối u.
Việc ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ đĩa chung, dùng chung bát nước chấm là con đường lây truyền vi khuẩn HP giữa các thành viên trong gia đình điển hình ở Việt Nam.
Khói thuốc lá tạo ra trong quá trình đốt và rít thuốc sản sinh rất nhiều chất độc hại. Việc đốt cháy tạo ra khói, than, nhựa và hàm lượng các hóa chất gây hại cao, đặc biệt là hắc ín (tar). Khi đốt cháy, khói thuốc lá sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất cực độc, như Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asen (thạch tín)…tác động trực tiếp đến phổi gây ung thư cũng như tất cả các cơ quan khác. Đáng nói, quá trình đốt cháy nhả khói ra môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp lên những người hút thuốc lá thụ động, mà đôi khi chính họ còn chịu nhiều tác động nguy hiểm hơn hút trực tiếp.
Thường xuyên ở cùng nhau trong 1 không gian, người vợ sẽ chịu tác động mạnh bởi khói thuốc của chồng (hoặc ngược lại) nên rủi ro cả 2 người cùng khởi phát ung thư phổi là không hề nhỏ.
Ngoài ra, trong ngôi nhà chung còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ra ung thư phổi mà cả 2 vợ chồng sẽ cùng chịu tác động như nhau, điển hình là: khói nấu ăn từ bếp, hóa chất tồn dư trong các vật trang trí, ô nhiễm không khí…
Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao; ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới. Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư gan. Những người mắc viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 200 lần so với người không mắc viêm gan B. Có khoảng 15-20% xơ gan do nhiễm virus viêm gan B biến chứng thành ung thư gan .
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc-xin.
Virus viêm gan B có thể lây truyền giữa vợ chồng thông qua đời sống tình dục; tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm bệnh; thông qua các dịch cơ thể khác như sữa, nước bọt, mồ hôi…