Chống lao: “Lao đao” vì thiếu nghiêm trọng bác sĩ
(Dân trí) - “Cứ 10 người dân Việt Nam thì có 4 người nhiễm lao” nhưng vẫn còn nhiều người nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng. Bệnh lao đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân, tuy nhiên số lượng bác sĩ và cán bộ phòng chống lao đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Trên 40% dân số đã nhiễm lao, Việt Nam xếp thứ 12 trong số 22 nước có số lượng bệnh lao nhiều nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có 30.000 người chết vì bệnh lao, con số mới nhiễm lên đến gần 200.000 người. Trong khi đó tình trạng lao đa kháng thuốc đang diễn biến ngày một khó lường hơn. Hiện nay tỷ lệ lao đa kháng thuốc là 2,7% với khoảng 5.000 - 6.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân này có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị đúng theo phác đồ.
Nhiều địa phương đang thiếu nghiêm trọng bác sĩ phục vụ công tác phòng chống lao. Giám đốc bệnh viện Lao Phổi Đà Nẵng bày tỏ lo ngại: “Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển thêm được một bác sĩ nào. Sau thế hệ chúng tôi không biết còn ai sẽ làm lao nữa” hoặc “Thiếu cán bộ ở cả hai tuyến tỉnh và huyện, một phần do chính sách không được hưởng chế độ gì đặc biệt… nhân lực chống lao ngày càng ít đi do cơ chế hiện nay không ràng buộc, không có bác sĩ mới về”, Giám đốc bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Tĩnh chia sẻ.
Phân tích về tình trạng thiếu nhân lực, PGS Đinh Ngọc Sỹ cho biết: “Mặc dù ngành y tế đã cố gắng kêu gọi nguồn nhân lực cho phòng chống lao nhưng nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập thấp, lại có sự kỳ thị xã hội khiến đa số người không mặn mà. Cán bộ làm công tác chống lao đang “già đi” không có người thay thế trong khi bệnh lao đang “trẻ lại”. Hiện có gần 50% cán bộ tại tuyến huyện là mới, chưa được đào tạo, nhiều huyện thuộc vùng sâu vùng xa không có cán bộ phòng chống lao”.
Tình trạng trên đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của bệnh lao trong cộng đồng, tuy nhiên chế độ cho người làm công tác được xem là rất khó khăn này lại đang bị “bỏ ngỏ”. Thông tư 147 quy định với mức bồi dưỡng “còm cõi” cho người phòng chống lao ra ngày 12/2/2007 (chi cho cán bộ y tế theo dõi bệnh nhân trong 8 tháng điều trị miền núi 150.000 đồng, khác 100.000 đồng; Chi cho cán bộ khám, phát hiện và đưa bệnh nhân đến huyện: Miền núi 30.000 đồng/xã/tháng, đồng bằng 20.000 đồng/xã/tháng.) đã hết hiệu lực ngày 31/12/2010 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành văn bản mới.
Hiện chương trình phòng chống lao đang đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ kéo giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2.000, và sau 30 năm sẽ thanh toán bệnh lao ở Việt Nam. Tuy nhiên với lực lượng quá mỏng các bác sĩ, cán bộ cho công tác chống lao nhiều chuyên gia đánh giá “với mục tiêu trên, chương trình chống lao Quốc gia đang tự mang đá đè mình”.
Vân Sơn