1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chống dịch Covid-19: “Huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất”

Nam Phương

(Dân trí) - Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức giao trực tuyến định kỳ với 63 tỉnh, thành để “thúc” các địa phương quyết liệt, tăng tốc hơn trong chống dịch. Đợt dịch này rất phức tạp, lan rộng.

Tại buổi giao ban với Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành lần đầu được tổ chức này, Bộ Y tế đã đưa ra những chỉ đạo cấp thiết, lắng nghe các khó khăn của địa phương trong vấn đề xét nghiệm, mua sắm sinh phẩm, đồng thời kịp thời có những giải pháp ngay lập tức để hỗ trợ.

Phát biểu mở đầu buổi giao ban, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa nhấn mạnh tính chất phức tạp của vụ dịch lần này. 

Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 hiện nay, đặc biệt là tại Đà Nẵng là một trong những vụ dịch có độ phức tạp và lan rộng, cần có sự quan tâm rất đặc biệt. Đà Nẵng là một thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến rất lớn.

Chống dịch Covid-19: “Huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất” - 1
Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức buổi giao trực tuyến định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành.

Vì thế, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt, tung một lực lượng nhân lực lớn, có lẽ trong tiền lệ chưa có.

“Chúng tôi xác định Đà Nẵng, Quảng Nam tuy 2 mà là 1 (do giao lưu, địa lý) nên nguy cơ đối với Đà Nẵng như thế nào thì Quảng Nam cũng như thế. Quảng Nam cũng thuộc nhóm nguy cơ cao, số ca phát hiện ngày càng tăng lên”, GS Long nhấn mạnh. 

Tốc độ lây nhiễm của dịch lần này cao gấp 2-3 lần so với đợt trước

Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng tốc kiểm soát những người đi đến Đà Nẵng, tăng tốc xét nghiệm với những người đã đi đến các địa điểm được Bộ Y tế khuyến cáo. Hiện nay một số địa phương thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, vụ dịch lần này có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Hiện nay tốc độ lây nhiễm cao gấp 2-3 so với lần trước. Đây là lý do vì sao Bộ Y tế có hành động rất quyết liệt. 

Vì thế, quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để làm châm lại sự lây lan của dịch. Hiện nay chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được bảo hiểm y tế chi trả. 

“Chúng tôi mong muốn tất cả các cơ sở y tế (công lập, tư nhân) có ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội thực hiện được xét nghiệm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nếu không có máy móc, năng lực để xét nghiệm, cơ sở có thể lấy mẫu gửi đến các đơn vị có thể thực hiện được. Không được để xảy ra tình trạng người dân đi đến nhiều cơ sở y tế mà không được xét nghiệm”, GS Long nói. 

GS Long cũng đề nghị các địa phương triển khai ngay tất cả các biện pháp chống dịch dù trên địa bàn chưa có ca nhiễm Covid-19, chuẩn bị kỹ lưỡng, không để bị luống cuống, đối phó một cách nhanh nhất. 

Chống dịch Covid-19: “Huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất” - 2

Mở rộng các cơ sở được xét nghiệm SARS-CoV-2 

Xác định là địa phương có nguy cơ cao, GS Long đề nghị TP HCM lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP HCM để khẳng định. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh thêm đây là chiến lực cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Các ca bệnh hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện. 

Trong khi đó, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những người trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, đưa ra khung giá để tránh tình trạng mỗi địa phương một giá; đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ khẩn trương tập huấn để đảm bảo an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm. 

Trước những kiến nghị này, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho các đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. 

Về test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. 

Nhiều nơi gặp khó khi mua sắm sinh phẩm xét nghiệm

Giống như Hà Nội, một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng nêu lên khó khăn trong việc mua sắm sinh phẩm, chênh lệch giữa giá thực hiện xét nghiệm PCR được phê duyệt hơn 700.000 đồng, trong khi giá thức tế là hơn 1,2 triệu đồng, tổ chức mua sắm rất dè dặt… Quyền Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh các phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi. 

Chống dịch Covid-19: “Huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất” - 3
Một điểm test nhanh SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế Quận Hai Bà Trưng.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế bổ sung thêm Bộ Y tế đã có công văn cung cấp danh sách các sinh phẩm hóa chất đang sử dụng trên thị trường để các địa phương tham khảo. Quan điểm của Bộ Y tế là với xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thì đơn vị lựa chọn loại hoá chất, sinh phẩm thuận lợi nhất với mình. Vì thế, việc đề nghị có mức giá chung là rất khó, các đơn vị có thể tham khảo kết quả thầu gần nhất.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết đơn vị này đang tích cực đồng hành cùng với Bộ Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc thanh toán. Các Sở Y tế cần khảo sát thống kê các đơn vị nào có thể thực hiện được xét nghiệm PCR, test nhanh gửi sang cơ quan bảo hiểm xã hội để đảm bảo vấn đề tạm ứng cũng như thanh toán về sau. 

“Về giá, chúng ta hãy vận dụng các hình thức đấu thầu trong quy định vì đây là tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho việc sàng lọc, đưa ra làm tại cộng đồng nên các đơn vị thực hiện đúng chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Sơn nói.

Về vấn đề chênh lệch giá làm xét nghiệm PCR, ông Sơn cho biết vì đây là tình huống đặc biệt, cơ quan chức năng chưa xây dựng được giá tính đúng, tính đủ. Về số tiền chênh lệch này, trong khi chờ Bộ Y tế xây dựng, các địa phương chủ động báo cáo chính quyền hỗ trợ một phần. Bảo hiểm xã hội sẽ báo cáo Tổng giám đốc BHXH VN để có cơ chế tạm ứng kinh phí cho các cơ sở. 

Dịch Covid-19: Cần huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua các đơn vị đã hết sức chủ động trong vấn đề xét nghiệm, thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa. Các Sở Y tế cần tập huấn ngay cho các đơn vị về cách thức lấy mẫu xét nghiệm, phòng lây nhiễm, biện pháp phòng chống dịch. 

“Chúng ta cần huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất. Đừng nghĩ rằng tình huống này có thể kiểm soát mà phải nghĩ sẽ có tình huống xấu hơn trong tương lai. Các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều quay lại làn sóng dịch bệnh thứ 2 rất nặng nề”, quyền Bộ trưởng nói. 

Người đứng đầu ngành y cũng đề nghị song song với việc mở rộng xét nghiệm tại các bệnh viện, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát cộng đồng. Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ TP Hà Nội xét nghiệm cộng đồng song lưu ý làm cả PCR với những trường hợp cần thiết. Tương tự TP HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng cần lưu ý. Các địa phương cần hết sức chủ động về vấn đề xét nghiệm, không đợi trung ương. 

Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có 2 cuộc giao ban nữa về các chuyên đề khác.