Chọn nước ngọt thế nào?

Những hiểu biết căn bản về nước ngọt (soft drinks) có thể giúp bạn phần nào trong việc lựa chọn sản phẩm thực sự hữu ích cho mình và gia đình.

Chọn nước ngọt thế nào? - 1


Nhìn từ nguyên liệu

 

Nguyên liệu căn bản nhất là nước, thường là nước tinh khiết (pure water) được tinh lọc với nhiều mức độ khác nhau tuỳ theo công nghệ và thiết bị xử lý nước. Nếu không đảm bảo, sản phẩm sẽ vẩn đục, lắng cặn, nhiễm vi sinh…

 

Đường hoặc chất tạo ngọt (sweeteners) thường được gọi một cách “dân gian” là đường hoá học. Không phải loại đường hoá học nào cũng là tội đồ gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Saccharin đã bị cấm trên cả thế giới nhưng aspartame, sucralose... “được phép sử dụng”. Chúng còn là thứ không có gì để thay thế trong sản xuất sản phẩm cho người có tiền sử tiểu đường.

 

Hương liệu (flavor): hầu hết các loại nước ngọt đều có gia hương liệu nhân tạo với nhiều mức độ khác nhau để tạo mùi thơm giống tự nhiên, tạo cảm giác dễ chịu. Có hai cấp độ: dùng để sản xuất công nghiệp và dùng để sản xuất trong thực phẩm. Ví dụ hương chè xanh dùng cho bột giặt không thể là hương chè xanh dùng trong nước chè xanh để uống. Hương liệu dùng trong chế biến công nghiệp thường có tạp chất, đôi khi là độc chất, sẽ rất nguy hiểm nếu dùng cho thực phẩm.

 

Màu: màu thực phẩm (food grade) là một điều bắt buộc đối với các nhà sản xuất nước ngọt. Tuy nhiên, nhiều cơ sở nhỏ ở ta dùng màu... công nghiệp ở... chợ Kim Biên

 

Chất bảo quản (preservatives). Vì nước ngọt do có chứa đường và một số chất dinh dưỡng có khả năng gây hư thối. Chất bảo quản sẽ kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm. Có những chất được phép sử dụng rộng rãi trên thế giới nhưng cũng có những chất bị cấm. Thông thường, dù được cho phép và coi như không độc hại, chất bảo quản chỉ được phép sử dụng ở mức độ một phần ngàn trở lại! (Phải xem danh mục cho phép sử dụng của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm).

 

Cuối cùng, có thể có hoặc không có là C02. Nước ngọt có ga C02 dễ gây cảm giác hưng phấn khi uống nhưng với nhiều người, nhất là những người có vấn đề với hệ thống tiêu hoá, thì chất này có thể gây no hơi khó chịu hoặc một tác hại nào đó.

 

Loại nào phù hợp?

 

Nên chọn sản phẩm của những nhà sản xuất có ghi rõ thành phần sản phẩm và nên chọn những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của mình.

 

Người chơi thể thao cần dùng loại nước giàu dinh dưỡng có lợi cho cơ bắp (muscle health benefit), không nên dùng loại nước tăng lực chung chung thường được gọi là energy drinks vì các loại nước này thường được pha trộn bởi nước, đường, một ít vitamin C nhưng lại nhiều chất kích thích như cafein. Những chất này không thực sự tạo ra “lực” cho thể thao xét về lâu về dài.

 

Học sinh sinh viên nên dùng loại nước giải khát bổ dưỡng có lợi cho sức khoẻ và sự phát triển của trí não. Nhiều người thích dùng nước tăng lực hoặc các loại có gas, coi đây là lựa chọn “thời thượng”. Thực ra, loại nên dùng là sản phẩm sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ giàu protein như sữa đậu nành, nước trái cây hoặc nước chè xanh “chính hiệu”. Sữa đậu nành được chế biến theo công nghệ cao loại các men có hại, có hoặc không có chất béo, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết có thể là lựa chọn còn tốt hơn sữa bò ngoại nhập! Vấn đề là bạn cần chờ nhà sản xuất có công nghệ làm ra sản phẩm đó (hiện chưa được sản xuất tại Việt Nam).

 

Vài năm nay, một số nhà sản xuất nước ngoài đi vào một số lĩnh vực chuyên biệt như sản phẩm chuyên dùng để tăng lực (energy drinks), sản phẩm cho thể thao (sport drinks). Gần đây, lại xuất hiện các loại thức uống chức năng (functional drinks) để giảm cân, chống lão hoá, tăng cường sức mạnh cơ bắp... Các nhà sản xuất đi theo con đường này hướng mạnh vào việc khai thác các nguyên liệu thiên nhiên như trà xanh, trái việt quất, chanh dây, lựu, lô hội... Tuy nhiên, để đạt được những điều mà họ quảng cáo, công nghệ chế biến như thế nào vẫn còn là một thách đố.

 

Ví dụ: nhiều nhà sản xuất quảng bá rầm rộ cho sản phẩm nước uống trà xanh (green tea drinks) của mình, nào là làm từ đọt trà non, tươi nguyên, tinh chất, là giàu chất EGCG (một chất chống oxy hoá mạnh). Trên thực tế, hầu hết nước trà xanh đóng chai được làm từ nước trà khô pha ra (như kiểu chúng ta pha trà), sau đó lọc rồi pha hương liệu, xirô hoặc chất tạo ngọt vào, thanh trùng và đóng chai. Ngay tại Việt Nam hiện nay cũng có những nhà sản xuất nước trà xanh dùng trà bột (thực chất là loại trà phế phẩm) được nhập từ nước ngoài mà nguồn gốc nguyên liệu có khi là từ chính nước ta. Thành phần EGCG có trong trà khô rất thấp (chỉ khoảng 1/8) so với lượng có trong lá trà tươi.

 

Làm nước trà xanh đóng chai từ trà lá tươi rất khó vì không biết phải giữ mùi hương tự nhiên, giữ màu tự nhiên như thế nào khi sản phẩm được đưa qua hệ thống thanh trùng có những thay đổi nhiệt độ đột ngột hàng trăm độ C chỉ trong 15 giây (công nghệ HTST, UHT)…

 

Đối với dòng sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, nên chọn sản phẩm được công bố làm từ cây, lá, trái tươi không có hương liệu, màu nhân tạo. Nếu có, phải là loại dành cho thực phẩm và dĩ nhiên đừng quá đát!

 

Cuối cùng bạn cần nhớ rằng thực phẩm có thể chữa bệnh nhưng không phải là thuốc chữa bá bệnh, đừng quá tin vào kiểu quảng bá như “thanh, lọc cơ thể tối đa”. Ai có kiến thức căn bản về y học đều biết là muốn người mát mẻ ắt phải kích thích cho cơ quan bài tiết làm việc; lạm dụng nước uống (nếu quả thực có tác dụng đó) kích thích bài tiết có thể là một sai lầm khó cứu chữa!

 

Theo ThS Trần Ban
SGTT