1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cho trẻ ăn dặm: "Dục tốc bất đạt"

Bạn tin rằng cho con ăn dặm sớm sẽ giúp bé cứng cáp hơn? Chúng tôi sẽ giải thích vì sao quan niệm đó không đúng.

Với hơn 500 loại thực phẩm khác nhau trong thiên nhiên, mỗi loại đều có giá trị dinh dưỡng riêng. Xuất phát từ quan niệm đó, nhiều bà mẹ rất tích cực cho con làm quen với nhiều loại thực phẩm từ rất sớm.

 

Ở mỗi giai đoạn, trẻ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Cơ thể trẻ cũng chỉ có thể tiêu hóa được những loại thực phẩm nhất định.

 

Dó đó, việc cho trẻ làm quen sớm một số loại thực phẩm không hề có lợi cho sự phát triển của bé. Tùy theo độ tuổi của con, các bà mẹ nên chọn thức ăn phù hợp để đảm bảo bé phát triển khỏe mạnh.

 

Trước 6 tháng tuổi

 

Bé chưa có đủ men tiêu hóa để hấp thụ bất cứ loại thức ăn nào khác ngoài sữa.

 

Việc cho trẻ sớm ăn dặm cháo, bột sẽ làm trẻ không tiêu hóa được thức ăn. Hậu quả là trẻ bị nôn ói, tiêu chảy, đi phân sống, bỏ bú và suy dinh dưỡng.

 

Đừng sợ rằng nếu bé cưng của bạn chỉ uống sữa thì sẽ không cứng cáp, khỏe mạnh. Ở giai đoạn này, sữa chính là nguồn thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng lý tưởng nhất cho bé.

 

Từ 6 - 8 tháng tuổi

 

Sáu tháng tuổi là thời điểm thích hợp để bạn tập cho bé ăn bột (gạo, đậu... đã rang và xay nhuyễn).

 

Hai tháng sau đó bạn mới nên tập cho bé ăn cháo.

 

Các loại thức ăn nêu trên cho năng lượng cao hơn trong một thể tích nhỏ hơn. Khi này, bé cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng hơn. Chỉ dùng sữa sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của bé.

 

Trên 12 tháng tuổi

 

Những loại thực phẩm sau thường gây dị ứng cho trẻ dưới 12 tháng:

 

Sữa bò tươi: Tỷ lệ trẻ bị dị ứng với đạm trong sữa tươi khá cao. Bạn không nên cho trẻ uống sữa tươi trước 1 tuổi. Nếu muốn dùng phải nấu sôi, tiệt trùng sữa thật kỹ.

 

Cần lưu ý các dấu hiệu dị ứng sữa ở trẻ như: phát ban ở da, phân có màu hồng hoặc đỏ (tiết ra máu), trẻ khò khè và ho.

 

Lòng trắng trứng là đạm albumin rất tốt. Tuy nhiên, lòng trắng trứng còn sống hoặc chưa chín hoàn toàn rất dễ gây dị ứng không chỉ cho trẻ em mà cả người lớn.

 

Một số trẻ dễ bị dị ứng với nước trái cây chua thuộc họ cam quýt hay nghêu, sò, ốc, hến, sô-cô-la, hoặc đậu phộng, bơ đậu phộng... do khả năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh. Khi bé lớn, hiện tượng này sẽ tự động hết do khả năng tiêu hóa của trẻ đã tốt hơn.

 

Trong giai đoạn ăn dặm, khi muốn cho bé làm quen với một món ăn mới cần cho trẻ ăn với số lượng tăng dần. Trong vòng 3 - 5 ngày sau đó, bạn không nên cho bé ăn thêm món mới.

 

Nếu thấy bé có dấu hiểu rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy, chướng hơi, đau bụng), bỏ ăn, biếng bú, dị ứng... bạn đừng vội kết luận là bé bị dị ứng. Nguyên nhân thực sự có thể là do thức ăn bị nhiễm khuẩn.

 

Từ 24 - 30 tháng tuổi

 

Giai đoạn này bé mới mọc đủ 20 chiếc răng sữa, tức là mới có thể nhai cơm nát. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ quá nôn nóng cho bé ăn cơm sớm vì chỉ nhìn vào "hàng tiền đạo" đầy răng cửa của con.

 

Theo B.S Đào Thị Yến Thủy

Tiếp thị gia đình

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ