1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Chó nhà chết sau khi cắn bé trai 1 tuổi, cha mẹ hốt hoảng đưa con đi viện

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bé trai 1 tuổi ở TPHCM bị chó nhà cắn ngày đầu năm khi đang chơi trước sân. Hai ngày sau, con chó tử vong.

Ngay những ngày đầu tháng 2, vợ chồng anh Văn Hòa (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã đưa con trai là bé H.L. (17 tháng tuổi) đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiêm ngừa dại.

Ngồi ở khu vực tư vấn trước tiêm, anh Hòa chia sẻ, trước đó ít ngày, khi đang chơi trước sân, bé L. bị con chó nuôi trong nhà cắn. Vì không thấy vết thương trên người con nên ban đầu, bé chỉ được theo dõi tại nhà. Nhưng hai ngày sau đó, con chó cắn cháu bé tử vong.

Chó nhà chết sau khi cắn bé trai 1 tuổi, cha mẹ hốt hoảng đưa con đi viện - 1

Vợ chồng anh Hòa đưa con trai 1 tuổi đi tiêm ngừa dại (Ảnh: Hoàng Lê).

Lúc này, anh Hòa mới khẩn cấp cùng vợ đưa con đi bệnh viện. Theo nhân viên y tế, bé sẽ được tiêm ngừa theo liệu trình 5 mũi vaccine, 1 mũi huyết thanh kháng dại. "Tôi mong bé sẽ an toàn, và cũng mong mọi người chú ý hơn khi để con nhỏ chơi gần các vật nuôi trong nhà", phụ huynh cháu bé nêu trên chia sẻ.

Vừa được điều dưỡng tiêm 2 mũi vaccine ngừa dại, anh N.V. (34 tuổi, quê Vĩnh Long) kể, mùng 7 tháng Giêng (tức ngày 4/1), khi anh đang nằm ngủ thì bị 2 con mèo nuôi trong nhà đang cắn nhau lao đến và "cắn nhầm" vào người.

Sau đó, anh V. thấy mông với chân đau, người có dấu trầy xước nên vào viện ngay vì lo sợ mắc bệnh dại.

Chó nhà chết sau khi cắn bé trai 1 tuổi, cha mẹ hốt hoảng đưa con đi viện - 2

Anh V. tiêm ngừa sau khi bị mèo cắn (Ảnh: Hoàng Lê).

"Tôi được nhân viên y tế hướng dẫn ngồi theo dõi tại chỗ sau tiêm một thời gian để xem có triệu chứng bất thường nào không. Mong mọi người khi bị thú cưng tấn công cũng hãy tiêm phòng kỹ, đừng chủ quan", chàng trai chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết những ngày qua, người dân đến tiêm ngừa tại đơn vị rất đông, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm như uốn ván, dại, cúm...

Trong dịp Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện có 180-200 ca đến tiêm ngừa dại, vì các nguyên nhân như chó cắn, mèo cào, khỉ cắn, chuột cắn… khi sinh hoạt, du lịch, đi chơi.

Chó nhà chết sau khi cắn bé trai 1 tuổi, cha mẹ hốt hoảng đưa con đi viện - 3

Người dân khi bị chó mèo cắn nếu không tiêm ngừa sớm, khi lên cơn dại sẽ vô phương cứu chữa (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Huy cảnh báo, người dân khi bị vật nuôi, thú cưng tấn công nếu không chích ngừa sớm, khi lên cơn dại sẽ không có biện pháp điều trị và dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân phải tiêm ngừa cho vật nuôi, cũng như tiêm ngừa chủ động trước khi bị cắn. Nếu chẳng may đã bị tấn công, người dân bắt buộc phải đến cơ sở y tế sớm để được bác sĩ khám, xem tiền sử tiêm ngừa để tiêm chủng kịp thời, đúng đắn.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh dại, Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo, người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; không thả rông chó, mèo; chó khi dắt ra đường phải được đeo rọ mõm; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác.

Không chà xát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

Đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Đối với những người có nguy cơ cao tiếp xúc với virus dại (cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại), nên tiêm ngừa chủ động vaccine dự phòng bệnh dại.