Chịu di chứng hậu Zona 25 năm do lỡ thời gian "vàng" điều trị

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bệnh Zona có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Kim Phượng - Khoa Da liễu (Bệnh viện FV), nhiều trường hợp điều trị ở giai đoạn trễ, gặp nguy cơ chịu biến chứng đau, mất ngủ, trầm cảm… kéo dài nhiều năm.

Đau nhức, mất ngủ 25 năm vì điều trị Zona muộn

Nữ bệnh nhân N., 65 tuổi, người Singapore đến khám và điều trị tại FV do đau hậu Zona. Điều đáng nói là vì phát hiện bệnh Zona trễ thời gian "vàng" điều trị, bà đã phải chịu cơn đau dai dẳng trong 25 năm qua.

Bác sĩ Nguyễn Kim Phượng - Khoa Da liễu, Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân N. từng bị Zona cách đây 25 năm song do không biết bị bệnh gì nên đã chủ quan không điều trị khi có các triệu chứng đau nhức, ho sốt, nổi mụn nước… Vết nhiễm trùng lành, tuy nhiên sau đó bà bị biến chứng đau dai dẳng.

Ban đầu, bệnh nhân không rõ bệnh gì nên thăm khám tại nhiều cơ sở y tế theo triệu chứng. Khi thì nhập viện do đau, sốt, nhức mỏi cơ thể, nặng ngực. Khi thì khám tiêu hóa do đau vùng bụng, mông; khám khoa nội thần kinh khi đau đầu...

Cho đến khi da nổi hạt mẩn đỏ, bà mới đến khoa da liễu để khám. Do đó dù vết thương đã lành nhưng bệnh nhân vẫn đau nhức, thường xuyên mất ngủ trong suốt 25 năm qua, bà đã tìm nhiều nơi để điều trị trước khi đến với FV.

Chịu di chứng hậu Zona 25 năm do lỡ thời gian vàng điều trị - 1

Bệnh Zona do virus herpes zoster gây ra.

Theo bác sĩ Phượng, bệnh Zona mà dân gian hay gọi là bệnh giời leo, là bệnh do virus herpes zoster tấn công vào thần kinh ngoại biên gây nên các cơn đau. Đối tượng dễ bị Zona là trẻ em, người lớn tuổi, người có sức đề kháng yếu, người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh xuất hiện ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thường gặp là vùng bụng, cổ, vai, lưng, có xu hướng lan ra khi người bệnh chạm vào vùng da bị bệnh và chạm vào các vùng da khác. Bệnh Zona có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm.

"Thời gian vàng điều trị 72 giờ đầu - đây là giai đoạn cơ thể có thể được sẽ phục hồi tốt, còn trễ hơn thì có thể ảnh hưởng gây kiệt quệ sức khỏe; do tuổi tác hoặc bị bệnh nền khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng, gây ra di chứng Zona thần kinh", bác sĩ Phượng cho hay.

Do virus tấn công vào rễ thần kinh của người bệnh, nên sẽ có hiện tượng như: đau bỏng rát, đau như bị phỏng, đau châm chích như kiến bò, đau như điện giật, đau như bị dao đâm, chạm nhẹ vào da cũng có thể kích hoạt cơn đau. Một số người lại bị đau khi nhai.

Có trường hợp vùng da bị zona bị mất cảm giác, sau khi tắm dùng khăn để lau thì vùng da bị zona tiếp xúc khăn không có cảm giác khăn chạm.

Lý do nhiều bệnh nhân phải điều trị di chứng Zona

Bác sĩ Phượng cho biết, cứ 10 ca bệnh Zona đến khám tại FV thì có 5 ca bị đau hậu Zona do lỡ thời gian "vàng" điều trị.

Thứ nhất, bệnh này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác (kiến ba khoang đốt, viêm da do côn trùng cắn…). Do các triệu chứng bệnh không rõ ràng nên người bệnh không đến khoa da liễu trước, mà đến khoa tim mạch, tiêu hóa, cấp cứu… Khi gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu thì thường đã qua thời gian dùng thuốc điều trị đặc hiệu.

Chịu di chứng hậu Zona 25 năm do lỡ thời gian vàng điều trị - 2

BS. Nguyễn Kim Phượng - Khoa Da liễu, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Một nguyên nhân khác, nhiều người quan niệm rằng bệnh giời leo nên chữa theo mẹo dân gian. Người mắc bệnh giời leo không được nói ra tên bệnh vì nó sẽ lan ra ăn vào thần kinh. Nhiều lời đồn làm cho căn bệnh này trở nên kỳ bí. Bệnh nhân tìm đến thầy "khoán", vẽ bùa, vẽ mực khoanh vùng nổi bóng nước; có người dùng thuốc lá giã ra đắp lên chỗ phồng rộp... làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, lở loét, để di chứng nặng nề, điều trị khó khăn.

Bác sĩ Phượng khuyến cáo bệnh nhân không nên sử dụng các liệu pháp này vì đó là các phương pháp chưa được kiểm chứng và có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng da, nặng hơn là nhiễm trùng máu. Zona là một bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng virus, nhưng nếu quá thời gian "vàng" điều trị thì bệnh nhân nên được chuyển sang điều trị đau.

Phối hợp liên chuyên khoa điều trị đau hậu Zona

Bác sĩ Nguyễn Nam Bình - Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV cho biết, khi những nốt mụn đã lặn hết mà bệnh nhân vẫn đau thì lúc đó bác sĩ da liễu sẽ chuyển bệnh nhân sang Trung tâm điều trị Đau.

"Những trường hợp đến khám trễ, chuyển sang khoa Đau quá trễ, sau hơn ba tháng, thì các cơn đau này đã trở thành mạn tính. Đau zona thường rất dữ dội, do vậy nếu nó không được kiểm soát sẽ gây biến đổi trong hệ thần kinh, các cơn đau sẽ càng ngày càng nặng, khó điều trị. Những trường hợp bệnh nhân đau quá 3 tháng thì thường sẽ kèm thêm điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu,", bác sĩ Nam Bình cho biết.

Phương pháp điều trị tại Trung tâm điều trị Đau gồm thuốc giảm đau dạng uống, dạng miếng dán và thuốc bôi. Nếu các thuốc giảm đau thông thường không hiệu quả, bác sĩ sẽ quyết định dùng phương pháp phong bế thần kinh - kỹ thuật tác động trên thần kinh ngoại vi và thần kinh trung ương, ngăn chặn sự truyền dẫn tín hiệu đau về não.

Phương pháp này tại FV được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm: dựa trên vùng da đau của bệnh nhân, bác sĩ sẽ phong bế rễ của dây thần kinh bằng thuốc tê và thuốc kháng viêm.

Chịu di chứng hậu Zona 25 năm do lỡ thời gian vàng điều trị - 3
BS. Nguyễn Nam Bình đang làm thủ thuật phong bế thần kinh cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Bình cho biết, phương pháp phong bế thần kinh tỏ ra hiệu quả. Như trường hợp nữ bệnh nhân 66 tuổi ở Đồng Nai, đau buốt bên tay trái do Zona, với cơn đau dữ dội, đến điều trị tại FV từ tháng 5/2023. Lúc nhập viện, huyết áp bệnh nhân rất cao: 200/122, do vậy bác sĩ chỉ định phong bế thần kinh lập tức. Ở lần phong bế đầu tiên, bệnh nhân đã giảm đau từ mức độ 8 xuống mức độ 4, một tuần sau tái khám xuống mức độ 1…

Hay trường hợp người phụ nữ 60 tuổi, quê Đồng Nai, đến FV điều trị đau, nghi ngờ là tác dụng phụ của việc điều trị ung thư, vì bà bị đau tại vị trí của phổi, ngay cạnh khối u. Nhưng khi đến khám kỹ hơn thì bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đau do Zona thần kinh. Trước khi được điều trị bằng phong bế thần kinh, bà không thể nằm được vì khi nằm vùng da này có cảm giác đau nóng rát. Tuy nhiên, sau lần phong bế thần kinh đầu tiên, bệnh nhân đã có thể nằm được, ngủ được.

Những điều cần biết về bệnh Zona

Theo bác sĩ Bình, nếu vẫn bị đau sau khi phong bế, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng phương pháp mới và hiện đại nhất là RFA - đốt thần kinh bằng nhiệt (đốt bằng sóng cao tần). Điểm hạn chế là một số vùng trên cơ thể (như ngực, cổ…) khó áp dụng được phương pháp này.

Bạn có thể gọi số điện thoại (028) 54 11 33 33 để được tư vấn thăm khám và điều trị về zona thần kinh tại FV. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm