Suýt mất chân chỉ vì vết côn trùng cắn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Từ những tổn thương nhỏ như vết côn trùng cắn hay vết trầy xước ngoài da, người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận… có thể bị nhiễm trùng nặng, suy cơ quan, nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.

Suýt mất chân từ một vết côn trùng cắn

Trong chuyến thăm quê tại Bến Tre vào tháng 6/2023, ông P.N.N (54 tuổi, Việt kiều Mỹ, cơ địa bệnh đái tháo đường) bị côn trùng đốt ở cẳng chân trái. Vết đốt không nghiêm trọng, tuy nhiên trong một lần đi gặp trời mưa, vết thương bị tiếp xúc với nước ngập, gây sưng viêm.

Trong vòng 4 ngày, vết côn trùng cắn sưng tấy, lan rộng từ mắt cá trái tới cẳng chân, lên gối, rồi đùi trái và thậm chí lên tới bẹn. Ông được đưa vào Bệnh viện FV cấp cứu.

Suýt mất chân chỉ vì vết côn trùng cắn - 1
Các bác sĩ làm kháng sinh đồ để định danh vi khuẩn (Ảnh: FV).

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân có dấu hiệu sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp, thở nhanh… nên lập tức được chuyển vào Phòng Săn sóc đặc biệt (ICU). Song song đó, các thông tin về ca bệnh nhanh chóng được chuyển đến chuyên khoa bao gồm khoa Truyền nhiễm, khoa Chấn thương chỉnh hình để có được những can thiệp chính xác kịp thời.

"Khi xem qua bệnh cảnh của bệnh nhân, tôi nghi ngờ đây là một trường hợp sốc độc tố, nên đã đề xuất sử dụng các kháng sinh bao phủ độc tố", TS.BS. Dương Bích Thủy - Khoa Truyền nhiễm cho biết.

Khoảng 1 ngày sau nhập viện , khoa Xét nghiệm cho biết cấy mủ vết thương của ông N. mọc hai loại vi khuẩn là Streptococcus pyogenesStenotrophomonas maltophilia. Trong đó, Streptococcus pyogenes là loại vi khuẩn nguy hiểm vì có khả năng phóng thích độc tố vào máu, gây sốc độc tố, đúng như tiên lượng ban đầu của các bác sĩ.

Bác sĩ Thủy cho biết, đây là một bệnh cảnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 70%. Trường hợp ông N., hội chứng sốc độc tố đã dẫn đến viêm cân mạc hoại tử cẳng chân trái và suy thận, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể phải chịu đoạn chi (mất chân) mới hy vọng giữ được tính mạng. Theo y văn thế giới, viêm cân mạc hoại tử cẳng chân cũng là bệnh cảnh dẫn tới mất chi nhiều nhất.

Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa giữa các bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ truyền nhiễm đã được tiến hành nhanh chóng và thống nhất chỉ định phẫu thuật cắt lọc mô chết ở chân trái, cùng với sử dụng kháng sinh thích hợp (vừa có tác dụng diệt vi khuẩn vừa có tác dụng trung hòa độc tố do vi khuẩn tiết ra). Đồng thời bệnh nhân cần được điều trị hồi sức tích cực mới hy vọng bảo toàn tính mạng và giảm thiểu nguy cơ mất chi.

Suýt mất chân chỉ vì vết côn trùng cắn - 2
Bệnh nhân phải trải qua 3 cuộc mổ để cắt lọc mô bị hoại tử (Ảnh: FV).

Bác sĩ CKI Trương Hoàng Vĩnh Khiêm - Khoa Chấn thương chỉnh hình cùng ê-kíp đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho ông N.

Bệnh nhân phải trải qua 3 cuộc mổ để cắt lọc mô chết. Các phẫu thuật được thực hiện với sự tỉ mỉ, cẩn trọng, cố gắng bảo tồn tối đa mô lành đồng thời phải lọc sạch mô hoại tử.

Sau 3 tuần điều trị nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu tích cực, vết thương đã liền mép, ông N. được xuất viện. Kết quả tái khám ngày 13/7 cho thấy sức khỏe của ông ổn định, có thể quay về Mỹ.

Bệnh nhân mắc bệnh nền không nên chủ quan vết thương nhỏ

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Bích Thủy - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện FV cho biết, sốc độc tố là bệnh không hiếm gặp. Trước đó, ngày 31/5/2023, một bệnh nhân 49 tuổi (ngụ tại quận 7, TPHCM) có tiền sử mắc hội chứng thận hư phải nhập viện FV cấp cứu trong tình trạng sốc nặng.

Nguyên nhân cũng từ một vết trầy nhỏ ở ngón cái bàn tay phải, trong vài ngày, vết thương sưng đỏ, lan rộng cả cánh tay phải, đồng thời xuất hiện thêm tình trạng viêm mô tế bào ở cẳng chân trái lan lên tận đùi trái.

Nghi ngờ bệnh nhân bị sốc độc tố, các bác sĩ khoa Truyền nhiễm phối hợp với khoa Hồi sức cấp cứu chỉ định dùng thuốc kháng sinh vừa có tác dụng diệt trùng vừa có khả năng trung hòa độc tố cho bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân cũng được can thiệp các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy xâm lấn, hồi sức tuần hoàn, lọc máu hấp phụ cytokine…. Kết quả cho thấy ông bị nhiễm khuẩn máu do Streptococcus pyogenes. Sau hơn 1 tháng điều trị, ngày 4/7 bệnh nhân đã được xuất viện.

Bác sĩ Thủy khuyến cáo: "Người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan mạn tính, hội chứng thận hư, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như Corticoid, người bệnh HIV/AIDS… dễ có nguy cơ nhiễm trùng nặng từ các vết thương, sang thương ngoài da dù nhỏ. Không nên dùng các liệu pháp dân gian như đắp lá cây cỏ, đắp nóng, chích lể… mà phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc thích hợp và điều trị kịp thời. Nếu không được xử trí tốt, vết thương rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, có thể dẫn đến các biến chứng như viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, sốc độc tố, với nguy cơ tử vong cao trong vòng vài ngày thậm chí vài giờ".

Phối hợp đa chuyên khoa điều trị nhiễm trùng, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân

Hiện tại, FV là một trong số ít bệnh viện có thành lập khoa Truyền nhiễm với mục tiêu kết hợp chặt chẽ với liên chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa ngoại trong công tác chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm, chọn lựa kháng sinh, theo dõi diễn tiến điều trị kháng sinh cho cả bệnh nhân nội và ngoại trú.

Suýt mất chân chỉ vì vết côn trùng cắn - 3
Phòng xét nghiệm hiện đại của FV (Ảnh: FV).

Với hiểu biết chuyên sâu về kháng sinh, các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đã, đang và sẽ góp phần tích cực trong việc quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả với mục tiêu "đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng cách, đúng liều và đúng thời gian".

Bác sĩ Vũ Trường Sơn - Phó giám đốc Y khoa Bệnh viện FV cho biết thêm, vai trò của các bác sĩ khoa Truyền nhiễm là hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật hoàn thành tốt vai trò của họ.

Với những trường hợp vết mổ không "sạch", chẳng hạn mổ cấp cứu, phần lớn vết thương đã bị nhiễm trùng, các chuyên gia truyền nhiễm sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh phù hợp trước, trong và sau mổ. Trong trường hợp biến chứng xảy ra, các chuyên gia nhiễm trùng sẽ can thiệp vì họ là người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này.

Bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV nhận định, bệnh viện tổ chức thêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và kiểm soát sử dụng kháng sinh sẽ giúp việc điều trị bệnh chuẩn mực hơn.

"Đặc biệt với khoa Ngoại là khoa phẫu thuật, nên liên quan đến nhiễm trùng khá nhiều, sự hỗ trợ, phối hợp với khoa Truyền nhiễm giúp các bác sĩ khoa ngoại chọn dùng kháng sinh đúng và đủ, tránh lạm dụng thuốc. Nhờ vậy, bệnh nhân đạt được kết quả điều trị tốt nhất, ít biến chứng nhất và ít tốn kém nhất", bác sĩ Thái nhận xét.

Để tìm hiểu thêm thông tin về điều trị nhiễm trùng tại FV, bạn có thể liên hệ số điện thoại: (028) 54 11 33 33.

Đang được quan tâm