Cứu sống cụ ông 101 tuổi nhiễm trùng ổ bụng nặng do viêm túi mật hoại tử

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cụ ông 101 tuổi được đưa đến Bệnh viện FV trong tình trạng đau bụng dữ dội, nhiễm trùng toàn ổ bụng mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao. Trải qua ca phẫu thuật với nguy cơ biến chứng cao và dùng loại thuốc đặc biệt, sức khỏe ông hiện ổn định.

Cấp cứu kịp thời cho cụ ông 101 tuổi

Cứu sống cụ ông 101 tuổi nhiễm trùng ổ bụng nặng do viêm túi mật hoại tử - 1

Bệnh nhân được mổ cấp cứu với sự cẩn trọng cao nhất của cả ê-kip phẫu thuật, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Quyết định khó khăn

Ngày (17/7), cụ Hoàng Phát (101 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) bất ngờ bị đau bụng với cơn đau tăng dần. Ban đầu cụ nghĩ mình bị đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa. Con trai cụ - ông Hoàng Minh dùng tay ấn vào khu vực dạ dày của cụ thì không có biểu hiện đau dữ dội như cụ miêu tả. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, người nhà lập tức đưa cụ đến bệnh viện FV.

Tại bệnh viện FV, các bác sĩ khẩn trương khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp CT bụng chậu cho cụ. Kết quả khám cùng với các khảo sát xét nghiệm và hình ảnh xác định cụ bị viêm túi mật cấp hoại tử thủng do sỏi túi mật. Nhiễm trùng không còn khu trú ở túi mật mà lan toàn bộ ổ bụng.

"Bệnh nhân bị nhiễm trùng ổ bụng rất nặng; nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn tới nhiễm trùng nặng thêm theo thời gian, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan và có nguy cơ tử vong", bác sĩ Ngô Việt Thắng - Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện FV nhận định.

Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch rung nhĩ (tức rối loạn nhịp tim) và đang dùng thuốc kháng đông máu nên việc phẫu thuật sẽ có nhiều rủi ro. Thuốc kháng đông làm tăng nguy cơ chảy máu khi phẫu thuật. Yếu tố tuổi cao, có bệnh nền, nếu mổ sẽ tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, hô hấp: nguy cơ viêm phổi, hoặc phải thở máy kéo dài, nằm sức kéo dài và hồi phục kém sau mổ.

"Phẫu thuật hay không phẫu thuật cho cụ là quyết định rất khó khăn", bác sĩ Ngô Việt Thắng nhớ lại.

Với thế mạnh là bệnh viện đa chuyên khoa, FV ngay lập tức tổ chức hội chẩn liên khoa với sự tham gia của bác sĩ Khoa gây mê hồi sức, Khoa cấp cứu, Khoa Tim mạch Khoa Ngoại tổng quát cùng với sự tham vấn ý kiến của giám đốc chuyên môn để tìm ra phương án tối ưu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đều nhận định đây là trường hợp cần mổ cấp cứu, tuy nhiên phải kiểm soát được tốt các vấn đề bệnh lý liên quan để không xảy ra biến chứng nguy hiểm. Trong đó, bác sĩ tim mạch đề nghị dùng thuốc hóa giải thuốc kháng đông để ca phẫu thuật thuận lợi, hạn chế chảy máu trong khi mổ.

Cứu sống cụ ông 101 tuổi nhiễm trùng ổ bụng nặng do viêm túi mật hoại tử - 2
Bác sĩ Ngô Việt Thắng giải thích về tình trạng bệnh của cụ ông qua phim chụp (Ảnh: FV).

Ca mổ thành công với sự hỗ trợ đắc lực của loại thuốc đặc biệt

Một giờ sau khi cụ Phát nhập viện, cuộc mổ cấp cứu cho cụ được tiến hành sau khi sử dụng thuốc hóa giải kháng đông trước mổ. Ca mổ thực hiện sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân bởi đội ngũ gây mê chuyên nghiệp và kinh nghiệm.

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, tiên lượng các tình huống có thể xảy ra và hướng xử lý, nên ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, chảy máu rất ít, đồng thời sức khỏe tim mạch, hô hấp được kiểm soát tốt.

Sau 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật và rửa sạch tối đa dịch bẩn trong ổ bụng. Ca mổ được thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận, cầm máu kỹ.

12 tiếng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc kháng đông trở lại để dự phòng huyết khối cho bệnh nhân rung nhĩ mà không có biến chứng chảy máu sau mổ, tránh nguy cơ biến chứng thuyên tắc mạch, đột quỵ sau mổ.

Vì được phẫu thuật nội soi với ưu điểm "xâm lấn tối thiểu", có sự chăm sóc tận tâm của đội ngũ hồi sức, phục hồi chức năng cùng bác sĩ tim mạch, bệnh nhân phục hồi tốt, nhiễm trùng ổ bụng được kiểm soát hoàn toàn, chức năng hô hấp, tim mạch ổn định. Cụ đã ra viện sau 8 ngày điều trị.

"Việc sử dụng thuốc hóa giải kháng đông máu cũng là 1 chìa khóa quan trọng cho thành công của ca mổ. Đây là lần đầu tiên, bệnh nhân tại Bệnh viện FV được chỉ định dùng thuốc này, cho ca bệnh phức tạp và đặc biệt", bác sĩ Thắng nhận định.

Bác sĩ Thắng giải thích thêm, việc sử dụng thuốc hóa giải kháng đông cho bệnh nhân đang điều trị rung nhĩ dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng thuyên tắc mạch, đột quỵ; nhưng nếu không sử dụng thì cuộc phẫu thuật sẽ khó khăn, kéo dài và có nguy cơ chảy máu rất cao. Sau khi cân nhắc lợi ích, nguy cơ, các bác sĩ quyết định vẫn sử dụng loại thuốc này và tình trạng bệnh nhân cần phải được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.

Cứu sống cụ ông 101 tuổi nhiễm trùng ổ bụng nặng do viêm túi mật hoại tử - 3
Bác sĩ Thắng thăm cụ ông Hoàng Phát trước khi cụ xuất viện (Ảnh: FV).

"Bây giờ tôi cảm thấy khỏe nhiều, đã hết đau, đi lại và ăn uống bình thường. Tôi rất mừng", cụ Hoàng Phát chia sẻ.

Thời gian đầu sau mổ, cụ được khuyến cáo ăn chế độ ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa, hạn chế dầu mỡ trong 1 tháng kết hợp với luyện tập phục hồi sau mổ để cơ thể khỏe mạnh.

Biến chứng nguy hiểm của sỏi mật

Bác sĩ Ngô Việt Thắng cho biết, nguyên nhân viêm túi mật ở cụ Hoàng Phát là do sỏi túi mật - sỏi bị kẹt ở ống của túi mật, dẫn tới tắc nghẽn túi mật, gây viêm dẫn đến biến chứng phải nhập viện cấp cứu. Sỏi túi mật là một bệnh lý rất thường gặp ở người lớn. Sỏi túi mật phần lớn không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng hoặc chẩn đoán hình ảnh cho những lý do khác.

Bác sĩ Thắng lưu ý những bệnh nhân có sỏi túi mật không có triệu chứng nên kiểm tra định kỳ hằng năm, hoặc khám ngay khi có triệu chứng như đau bụng, sốt, vàng da… để phát hiện những trường hợp cần can thiệp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Để khám và điều trị các bệnh liên quan đến sỏi mật, bạn có thể liên hệ Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV qua số điện thoại: ĐT: (028) 54 11 33 33

Đang được quan tâm